top of page

11. Nỗi niềm của người học sinh cuối cấp.

11. Nỗi niềm của người học sinh cuối cấp.

BÀI LÀM

Lê Trần Khánh Ngọc

Lớp 9A. Năm học: 2017-2018

Một buổi sáng đầu đông. Tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi đã điểm. Nhưng chúng tôi vẫn ngồi trong lớp, đông đủ, thảo luận về kiểu dáng và màu sắc của chiếc áo lớp. Ông trời thật biết chiều ý người, không làm mưa nữa mà kéo nắng dịu dàng tô hồng đôi má của các bạn tôi. Ai ai cũng rôm rả nêu lên ý kiến, bàn tán với nhau, rồi chợt lắng lại khi có đứa cất tiếng: "Nhanh thật! Sáu tháng nữa thôi là mình xa nhau rồi!”

Ừ nhỉ, nhanh thật. Sau những tháng hè mải mê ôn tập để chuẩn bị cho kì thi học sinh giỏi, tôi quên mất tôi và các bạn đã trở thành học sinh cuối cấp. Đã trở thành những anh, chị lớn trong trường, đã cùng nhau bước đến chặng đường cuối cùng của thời cấp hai tươi đẹp, lời nói đó như một lời nhắc nhở, rằng sắp xa nhau rồi, hãy trân trọng những kỉ niệm mà mình có đối với nhau đi. Chúng tôi ai cũng hiểu điều này. Và thế là, từ chủ đề áo lớp, mọi người bắt đầu gợi lại những kỉ niệm. Bao nhiêu chuyện cũ ập đến như dòng nước uốn quanh tâm trí chúng tôi.

Lâm Nhi hừ mũi, bảo:

- Tao nhớ hồi đó có bữa nào tao phải viết bản kiểm điểm đâu. Ở với tụi bây hoài riết rồi bản kiểm điểm cứ một hai đi đều hà!

Phùng Quân quay sang bĩu môi:

- Mày làm giống mày chưa bao giờ nêu gương xấu cho tụi tao á!

Cả lớp phì cười: Đúng là “oan gia”, ngày nào cũng có chuyện để cãi nhau. Trung mới quay sang bảo:

- Thương nhau lắm cắn nhau đau nhe tụi bây!

Mới dứt lời, hai bạn trẻ đã quay sang lườm Trung đến “cháy mắt”. Thảo Nguyên, bạn cùng bàn với tôi, quay sang hất tóc, nói:

- Tao thấy bọn mình cũng hay chửi chắc lắm, mày đừng có mà yêu tao nhen, tao chỉ nguyện chờ hoàng tử bạch mã của tao thôi!

Nghe xong, tôi nhìn Thảo Nguyên với ánh mắt “khinh bỉ”, đoạn lấy tay đưa lên trán nó. Gì chứ “ấm đầu” là tôi không chơi, mà riêng Thảo Nguyên thì đã vượt xa cảnh giới của cái sự ấy rồi, đuổi theo đâu kịp. Tôi ngồi với nó hơn một năm, quả là kì tích. Mà thôi, để tôi kể tiếp câu chuyện cho bạn nghe nè.

Cứ thế, xuôi dòng theo câu hỏi:” làm sao mà mình quen nhau hay vậy nhỉ?”, "Có chuyện đó nữa à, sao kì hen!”, ai cũng cười vui, cảm xúc ngập tràn. Rồi Duy, đứa con trai gần như ngố nhất lớp, bỗng hỏi một câu sâu sắc đến lạ kì:

- Thời cấp hai này, thứ gì là đáng nhớ nhất tụi bây nhỉ?

Nghe câu hỏi ấy, ai cũng trầm ngâm, suy nghĩ. Lát sau là một hồi xôn xao. Phùng Quân vừa nói vừa cười hề hề:

- Tất nhiên tao phải là điều bọn bây nhớ nhất rồi! Chuyện kiếm cho ra một đứa vừa thông minh, vui tính lại siêu cấp đẹp trai như tao bây giờ khó lắm!

Đức lại trầm ngâm, ra điều”ông cụ non” lắm, hung hăng bảo:

- Bây mà nhớ làm chi cho hao công tốn sức! Tình yêu tuổi học trò mới khiến tao thổn thức nhớ mong nhất!

Cả lớp tôi được một phen cười vỡ bụng, trêu chọc ầm lên. Cái thằng thật là, "vì tình bỏ bạn” ghê gớm. Như ngại quá Đức mới quay sang hỏi tôi, để đánh trống lãng cái sự “lỡ miệng” tai hại đó:

- Khánh Ngọc, tổ trưởng yêu quý, tổ trưởng nhớ nhất cái gì vậy?

Thế là, tôi bắt đầu kể. Rằng bầu trời của tôi ở những năm cuối cấp là khoảng sân rộng lớn rợn ngợp bóng cây, là lớp học như ngôi nhà thứ hai, là tiếng cười của những con người vô cùng thân thiết. Chúng tôi ở điểm bắt đầu, lạ lẫm có, thân quen có, bốn mươi bảy đứa học trò từ bao trường Tiểu học khác nhau cùng chung về một lớp. Từ những màn làm quen vụng về nhưng lại ngây thơ và chân thành đến lạ, giờ đây chúng tôi đã sẻ chia cùng nhau bao kỉ niệm, đã cùng khúc khích cười, đã cùng nức nở khóc. Những năm tháng ấy, chúng tôi chẳng có gì, chỉ có thời gian là dài và rộng. Vậy mà, thời gian trôi qua nhanh quá. Sao tôi thấy lòng mình xao xuyến lạ. Vẫn là hàng cây, ghế đá, bảng đen, sân trường đó. Vẫn là thầy cô đó, bạn bè đó, nhưng sắp xa rồi, kỉ niệm có phải vì thế mà cứ ồ ạt về nhiều hơn? Tôi cứ men về những tháng ngày xưa cũ, về những giọt nước mắt ướt nhòe bài kiểm tra thấp điểm, về những hôm ăn vụng trong giờ, chỉ là ổi,xoài, đôi khi là muối tôm thôi mà sao lúc đó ngon đến lạ. Hay những lúc mắc lỗi, chúng tôi vẫn bảo vệ nhau, nhất quyết không khai tên “đồng phạm” để giúp nó tránh “búa rìu” của cô chủ nhiệm, không để tâm đến việc mình cũng bị phạt đấy thôi. Trong quãng thời gian ấy, kỉ niệm thì nhiều, kỉ niệm đẹp lại càng không kể xiết, nhưng nhớ nhất là lúc tổng kết trường năm ngoái, chúng tôi kéo nhau qua nhà Bảo và Phúc Nguyên. Sau khi chia làm hai phe trai với gái, mỗi phe chiếm một nhà, gọi là “Trận chiến bóng nước”. Định là bơm nước vào bóng hết đã rồi mới “lâm trận” đấy, nhưng trẻ con mà, đâu kiên nhẫn lâu được. Thế là hai bên cứ lon ton chạy qua phục kích, rồi cố thủ, rồi ném bóng tấn công, cứ như chiến tranh thực sự giữa hai nửa thế giới. Bóng vỡ, nước tung tóe ướt hết cả áo quần, đứa nào cũng nom lếch thếch, rũ rượi mà vẫn không quên mỉm cười thật tươi kèm lời hăm dọa: "Đợi đó!” Chao ôi, sao mà gắn kết, thân thuộc và đáng yêu đến thế!

Nói xong rồi, tôi nhìn quanh, ngạc nhiên nhận ra mắt ai cũng rơm rớm. Chắc vì nỗi buồn và hoài niệm là thứ hay lây. Hoặc là tài kể chuyện của tôi cũng không đến nỗi quá tồi, nhỉ? Nghe tôi nói xong, đứa nào cũng bảo, xa tao rồi đừng khóc nha bây, tao lại khóc theo thì khổ, lau nước mắt mất công tốn giấy. Dù mắt thì hoe hoe đỏ, nhìn về hướng xa xăm lắm. Lũ quỷ, thương nhau thì nói, có ai đánh thuế yêu thương bao giờ?

Bảo Vy và Thủy Tiên lại đồng thanh hỏi :

- Buổi bế giảng năm ngoái vui như vậy, liệu năm nay cuối cấp rồi, chúng ta có khóc không? Và rốt cuộc, làm học sinh cuối cấp nghĩa là gì cơ chứ?

Ai cũng bảo, nói vậy chứ chắc mình sẽ khóc mất thôi. Thủy tiên “nhỏ” xúc động, đứng lên nói:

- Sẽ khóc chứ. Ở bên nhau vui vẻ bao nhiêu, khi xa rồi sẽ càng thấy trống trải và hụt hẫng bấy nhiêu mà!

Trí gật gù, lên tiếng với lời lẽ chẳng giống ngày thường:

- Là học sinh cuối cấp, thế nào chúng ta cũng phải đối diện với trang kết của một chương đầy ắp kỉ niệm. Sau đó sẽ là những định hướng cho tương lai, dấu mốc của việc tự mình lựa chọn và quyết định. Là những ngả rẽ mới mà có khi ở đó bạn sẽ chẳng còn gặp lại nhau. Là khi chúng ta lớn thêm một chút và học cách trưởng thành. Chúng ta luôn nghĩ rằng mình còn thời gian, nhưng thật ra thời gian lại là thứ bông đùa nhất trên thế giới này. Có khi mình vừa cùng cười đó, cùng khóc đó, mai đã xa nhau rồi không ai hay, thật đấy! Tao chỉ muốn nói như vậy thôi!

Dứt lời, Trí ngồi xuống. Cả lớp ồ lên, vỗ tay rầm rộ cho cái sự “ngầu” bất tình lình này. Thường ngày có khi nào nó nói được mấy cái triết lý sâu sắc đến vậy đâu. Thế là hưởng ứng tinh thần của Trí, cả lớp lại nhao nhao. Quốc Cường hắng giọng:

- Lớp mình đi chơi nhiều hơn đi! Tao muốn dành thêm thời gian với lớp!

Thảo nguyên cười mím chi:

-Tao hứa sẽ năng nổ hơn vì lớp. Tụi mày thấy ghét, mà xa thì buồn lắm chịu không nổi!

Đúng vậy, những người bạn của tôi ơi! Có người đã nói “trong những mảnh ghép kí ức, mảnh khiến ta nuối tiếc và bất lực nhất chính là bỏ lỡ”. Tôi sẽ không bao giờ để lòng mình phải hối hận. Cuối cấp rồi, tôi sẽ càng trân trọng hơn khoảng thời gian mọi người vui vẻ bên nhau. Dù mai này đường đời trăm ngả rẽ, mỗi người trong chúng tôi sẽ có một lối đi riêng, nhưng những kỉ niệm đẹp mà chúng tôi của những năm tháng ấy đã cùng nhau tạo ra, sẽ luôn là hành trang mang theo trên con đường tôi chọn, sẽ luôn được tôi lưu giữ mãi trong tim mình. Từng phút. Từng giây. Từng khoảnh khắc một.

Tiếng trống vào học đã điểm. Mọi người lại quay về chỗ ngồi quen thuộc của mình, bắt đầu tiết học mới với bao cảm xúc dạt dào, tha thiết, với một nỗi niềm man mác cứ lấp lánh trên khóe mắt, bờ môi. Thời gian trôi nhanh, những cảm xúc, những tháng năm đó rồi sẽ gửi vào quá khứ. Nỗi niềm của người học sinh cuối cấp, ai rồi cũng sẽ trải qua. Vui có. Buồn có. Bâng khuâng, nhớ nhung và hoài niệm thì lại càng ngập tràn. Nhưng chỉ cần như chúng tôi, hứa sẽ không bỏ lỡ điều gì, luôn trân trọng từng phút giây bên nhau là đủ. Như câu trả lời chắc nịch của Trí khi nghe chúng tôi hỏi. Cậu cười hì hì:

-Triết lí chi đâu! Tao thấy thời gian ở bên tụi bây trôi qua nhanh quá, tao thấy tiếc, nên bật ra thành lời vậy thôi. Tại tao yêu lớp mình mà!

14 views

Recent Posts

See All

Giấc mơ về thăm trường sau 20 năm xa cách.

16. Giấc mơ về thăm trường sau 20 năm xa cách. BÀI LÀM Nguyễn Thị Hương Giang Lớp 9A. Năm học: 2019-2020 Thời gian như bóng câu lướt qua cửa sổ, cứ vô tình chẳng đợi, chẳng chờ một ai. Hôm nay, còn ng

8.Một ngày hè đáng nhớ.

8.Một ngày hè đáng nhớ. BÀI LÀM Đỗ Hoàn Gia Trí Lớp 8G. Năm học: 2019-2020 Mùa hè là mùa của những trải nghiệm, là mùa của những trò chơi bổ ích, của những ngày học hè lí thú. Và đối với tôi cũng vậy.

Kể lại câu chuyện mà em thích bằng lời văn của em.

BÀI LÀM Nguyễn Ngọc Đan Thy Lớp 6B. Năm học: 2019-2020 Tuổi thơ tươi đẹp của em được tiếp xúc với rất nhiều loại truyện hay và hấp dẫn. Sau mỗi câu chuyện chúng ta đều được rút ra một bài học bổ ích.

bottom of page