top of page

Ảnh hưởng của văn hóa mạng, thế giới ảo...

Ảnh hưởng của văn hóa mạng, thế giới ảo đến việc hình thành và phát triển nhân cách, định hướng nghề nghiệp, mục đích sống của thanh niên, học sinh.

BÀI LÀM

Ngày nay, khoa học kĩ thuật không ngừng phát triển. Xã hội chúng ta đang sống luôn biến chuyển từng ngày, từng giờ để bắt kịp những thay đổi mạnh mẽ, ngoạn mục của thời đại - một thời đại mà bước ngoặt lớn được đánh dấu bằng sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin. Khi thế giới đang đắm chìm và xuýt xoa trước những sản phẩm công nghệ - kết tinh của trí thông minh và sức sáng tạo của loài người - thì học sinh chúng ta chính là những người tiếp xúc với thành quả đó sớm nhất. Một đứa trẻ hai, ba tuổi còn chẳng lạ lẫm gì với Internet, vậy nên cũng rất dễ hiểu thôi nếu Internet trở thành thứ tất yếu đối với học sinh, ví như bữa cơm hàng ngày, không thể quen thuộc hơn. Câu hỏi đặt ra là: chúng ta liệu có đang sử dụng Internet đúng cách, văn hoá mạng có hay không đang tác động và tác động như thế nào đến học sinh chúng ta.

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu văn hoá mạng là gì? Hiểu nôm na: Văn hoá mạng chính là cách chúng ta cư xử, lựa chọn để tiếp nhận và phản hồi thông tin trên các trang mạng xã hội, diễn đàn công chúng, báo chí,... Việc Internet trở nên phổ biến và lan truyền mạnh mẽ đã tạo ra một "thế giới ảo" song hành với thế giới thực ta đang sống. Chính vì lẽ đó, "thế giới ảo" có những quy tắc riêng, cũng phức tạp và rối rắm không kém gì thế giới thực, thậm chí còn nguy hiểm và khó lường hơn thế. Việc chúng ta lựa chọn sử dụng Internet như thế nào rất quan trọng, nhất là trong môi trường giáo dục, hoặc Internet là trợ thủ của ta, hoặc ta là nô lệ của chính Internet.

Dù sao đi chăng nữa, không ai có thể phủ nhận những gì Internet mang lại. Internet cho ta biết tới những nền văn minh xa xưa cổ kính nhất chỉ bằng vài nhấp chuột. Internet trải ra trước mắt ta hình ảnh những vùng đất trù phú xanh tươi cách ta nửa địa cầu. Internet đưa ta ra ngoài không gian vũ trụ bao la kia, để ta biết tới những thiên hà cách ta hàng tỉ năm ánh sáng, để ta trầm trồ trước những trạm không gian, vệ tinh nhân tạo, ngã mũ thán phục trước khả năng vô hạn của con người. Nhờ vào sự phát triển của công nghệ số, Internet chính là kho sách khổng lồ. Nếu nói sách là hạt muối lắng đọng của tinh hoa nhân loại thì Internet chính là đại dương rộng lớn, nơi không những lưu trữ lượng muối lớn mà còn sóng sánh dòng nước mát lạnh, tượng trưng cho những kiến thức và tiện ích Internet mang lại. Vì vậy, có thể khẳng định, Internet hỗ trợ ta rất nhiều trong học tập và giải trí. ,tìm kiếm thông tin, mạng xã hội giúp ta giao lưu, kết bạn, liên lạc và trao đổi. Học sinh nếu biết khai thác Internet để phục vụ bản thân một cách có hiệu quả, sử dụng mạng xã hội một cách chọn lọc, có ý thức thì Internet sẽ là trợ thủ đắc lực của mỗi học sinh chúng ta.

Thế nhưng, việc tồn tại ảnh hưởng xấu của văn hoá mạng là điều không thể tránh khỏi. Internet là một con dao sắc bén, lựa chọn nắm chuôi dao hay lưỡi dao tuỳ thuộc vào mỗi học sinh chúng ta. Từng ngày, từng giờ, Internet tiếp nhận một lượng thông tin khổng lồ, xấu có, tốt có. Thật không may, con người có thói quen dễ dàng tiếp thu những cái xấu hơn là cái tốt. Đó là những phát ngôn bừa bãi của những khối óc nông cạn. Đó là những tít báo nóng hổi, giật gân về một cô ca sĩ, một chàng diễn viên. Đó là những tuyên truyền với mục đích xấu, những xu hướng, phong trào lố lăng của giới trẻ. Học sinh chúng ta là những thanh thiếu niên đang ở độ tuổi tìm tòi và khám phá, cũng là độ tuổi hình thành nhân cách lâu dài, rất tò mò về cái mới mẻ, càng dễ bị ảnh hưởng bởi cái xấu. Một phong trào khi sinh ra thì tự nhiên sẽ có sức lan truyền mạnh mẽ, không cần biết tốt hay xấu. Một bạn trẻ không biết gì về phong trào đó lại được coi là quê mùa, là không bắt kịp thời đại. Điều đáng nói ở đây, phong trào sẽ nhanh chóng bị dập tắt, phong trào khác lại nổi lên, cứ như thế thành một vòng tuần hoàn không điểm dừng, tạo thành guồng xoáy cuốn tất cả vào cuộc chạy đua vô nghĩa không đích đến. Nhận thức của học sinh chúng ta cũng sẽ sai lệch từ đó. Học sinh không màng tới những bài học giáo dục công dân về "Kế thừa, bảo vệ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc", sẽ không ngần ngại tiếp thu văn hoá K-POP, sẽ cho rằng phải giống Tây mới thời thượng. Hậu quả là ngay cả ngôn ngữ mẹ đẻ tiếng Việt cũng bị ép chèn vào vài chữ tiếng Anh hoặc vẫn là tiếng Việt nhưng lại bị biến dạng không ai nhận ra. Học sinh chúng ta đã được mạng xã hội dạy rõ thế nào là "Tâm lý đám đông" và góp phần hủy hoại cách nhìn nhận của chính mình như thế.

Internet và mạng xã hội trực tiếp hoặc gián tiếp tha hoá lối sống của thanh niên, học sinh. Lấy ví dụ đơn giản, một bạn đua đòi mua quần áo cho giống trang phục của thần tượng, tiêu tốn nhiều tiền của, khi hết tiền sẽ ăn cắp vặt. Có lần thứ nhất hẳn có lần thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư,... cứ như thế bạn đó sẽ chẳng khác gì tên ăn trộm bị mọi người lên án, dè bỉu. Đấy là chưa kể việc học tập của bạn ấy sa sút, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai và hạnh phúc của bạn ấy sau này. Có hằng hà sa số những vụ lừa đảo qua mạng mà nạn nhân chính là lứa tuổi thiếu niên, hay nói cách khác, nhằm vào chính học sinh chúng ta. Những cuộc tranh cãi nhỏ trong học đường vốn đơn giản, lại được ầm ĩ trên các trang mạng xã hội để rồi gây ra những vụ bạo lực học đường, chia bè kéo cánh, chẳng khác gì lưỡi kéo cắt đứt sợi dây tình bạn, khác gì rải mực đen lên môi trường giáo dục lành mạnh, trong sáng. Còn lạ gì những học sinh thờ ơ với cuộc sống, bàng quan với xã hội, lạnh nhạt với bạn bè, không còn tìm thấy niềm vui nơi học tập, hàng ngày đến trường như một con robot được lập trình sẵn. Đấy là vì những học sinh đó có thái độ sống ích kỉ, thiếu hụt kĩ năng xã hội, là vì họ có một "thế giới ảo" luôn chào đón họ khiến họ quên mất rằng mình còn có một thế giới thực tươi đẹp gấp bội. Sức chống cự của độ tuổi học sinh rất non yếu, nào đỡ lại được những cám dỗ đầy rẫy trên Internet. Trong một giây phút không ai để ý, như một con mọt, văn hoá mạng gặm nhấm dần những xúc cảm đẹp đẽ của học sinh với cuộc sống muôn màu muôn vẻ, thay vào đó dẫn ta tiến tới vùng đất của sự giả dối, một thế giới ảo không có gì khác ngoài bàn phím, một nhân cách thoái hoá và một tâm hồn chỉ còn là ánh sáng yếu ớt phát ra từ màn hình máy tính. Thật đáng buồn thay!

Tuy không muốn nhưng phải thừa nhận rằng, lời lẽ vô tình trên mạng xã hội có thể gây tổn thương sâu sắc đến học sinh chúng ta, lại có khả năng cướp đi của ta mục đích sống. Những tư tưởng, ý kiến cá nhân một khi xuất hiện trên mạng xã hội thì không còn của cá nhân nữa, đó là "phiên họp chợ" cho tất cả "anh hùng bàn phím", là cơ hội cho anh và tôi thỏa sức "góp ý", "đánh giá", "bình phẩm" nghe thế nào cũng có vẻ hợp lí và đúng đắn. Thế nhưng, trong cuộc chiến giấu mặt thậm chí là nặc danh ấy, có những lời lẽ sắc như dao, cứa vào vết thương lòng của một hay một số bạn học sinh vốn sử dụng mạng xã hội với mục đích đúng đắn. Thương tổn về tinh thần là không gì bù đắp được. Chính những lời xúc phạm thậm tệ đó nhẹ sẽ gây mất đoàn kết, nặng sẽ trở thành chướng ngại tâm lí khó xoá bỏ. Lại nói về những "anh hùng bàn phím", cái tên nói lên tất cả. Họ chỉ là những anh hùng trên bàn phím mà thôi, chỉ giỏi bới móc, lí luận tỏ vẻ có học vấn uyên thâm trên các diễn đàn xã hội, còn trong thực tế thì chẳng giúp ích gì được cho đời. Họ là và từng là những học sinh đã lựa chọn lối sống ảo thay vì sống thực. Họ không có ước mơ, hoài bão và cũng chưa dám ước mơ, hoài bão. Họ sợ thất bại. Chỉ thế giới ảo mới khiến họ có cảm giác an toàn. Chính văn hoá mạng họ tôn vinh đã cướp khỏi họ cơ hội để thay đổi, cơ hội để phát triển. Những "anh hùng bàn phím" nhìn nhận sự đời qua lăng kính chủ quan, không toàn diện của bản thân, rồi lại khăng khăng nghĩ mình đúng, tự cho mình cái quyền phán xét, đâm chọt và thương tổn người khác, quả là vô lí hết sức!

Bên cạnh những thui chột văn hoá mạng và việc sử dụng Internet không đúng cách gây ra về cách nhìn nhận, lối sống, mục đích sống và tâm hồn, vấn đề về sức khỏe và học tập của học sinh cũng nghiêm trọng không kém. Dành phần lớn thời gian "sống ảo" khiến học sinh lơ là học tập, thành tích đi xuống không phanh. Cơ thể không đủ khỏe mạnh vì thiếu những hoạt động thư giãn gân cốt. Mắt thâm quầng, cận nặng, tình hình sức khỏe không đảm bảo, nhất là khi học sinh ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Tôi không muốn vẽ lên cho các bạn tất cả những viễn cảnh tồi tệ đó để các bạn sợ hãi, lo lắng. Tôi chỉ nêu lên sức ảnh hưởng của văn hóa mạng đối với học sinh một cách khách quan nhất có thể, những việc sẽ xảy ra nếu học sinh chúng ta - mầm non tương lai của tổ quốc và xã hội - tiếp tục tình nguyện làm nạn nhân của văn hóa mạng, là nô lệ của thế giới ảo.

Cái gì cũng có hai mặt. Điều học sinh chúng ta cần làm bây giờ là phát huy mặt tốt, khắc phục mặt xấu của Internet nhằm phục vụ nhu cầu học tập, giải trí lành mạnh. Học sinh nên dựng lên cho mình một bức tường kiên cố trước những cám dỗ, mời mọc, những ý định xấu để bảo vệ cho sự phát triển toàn diện của nhân cách và tâm hồn. Đồng thời chúng ta nên học cách tận hưởng cuộc sống, trau dồi các kĩ năng xã hội, học cách yêu thương và sống trọn vẹn. Sở dĩ cuộc sống thực đã đủ đẹp đẽ rồi, cần gì phải tạo ra cuộc sống ảo rồi tự đắm chìm như thế!

31 views

Recent Posts

See All
bottom of page