top of page

Cảm nhận về tình cha con sâu nặng, cảm động giữa ông Sáu và bé Thu...

Cảm nhận về tình cha con sâu nặng, cảm động giữa ông Sáu và bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng.

BÀI LÀM

Nguyễn Tâm Phúc

Lớp 9E. Năm học: 2015 -2016

(Trường THCS Phan Đình Phùng)

Có câu nói: “Những tình cảm đẹp sẽ là động lực mạnh mẽ trong tâm hồn mỗi con người. Tình mẫu tử khiến trái tim con người thêm nồng nàn, êm ái. Tình thương của người giàu với người nghèo đem đến cho ta sự cảm thông và sẻ chia. Tình yêu đôi lứa dẫn ta đến những cao độ của cung bậc cảm xúc. Có người nhận xét rằng “tình phụ tử không thể ấm áp và đẹp đẽ như tình mẫu tử”. Nhưng khi bước vào những trang truyện “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng ta không tiếc những giọt lệ bởi tình cha con thắm thiết xúc động của Ông Sáu và bé Thu. Câu chuyện khắc họa nhân vật đầy ấn tượng và tinh tế, đồng thời ngợi ca tình cha con thiêng liêng vĩnh cửu.

Nguyễn Quang Sáng quê ở An Giang. Ông tham gia bộ đội và hoạt động ở chiến trường Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Văn ông giản dị mộc mạc nhưng sâu sắc, ý nghĩa. Chiếc lược ngà viết 1966 tại chiến trường Nam bộ là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của ông. Câu chuyện đã đem đến cho ta niềm xúc động trước tình phụ tử sâu nặng thiêng liêng giữa Ông Sáu và bé Thu trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.

Người đọc có thể cảm nhận được tình cha con vô cùng cao đẹp của Ông Sáu giành cho bé Thu. Điều đó thể hiện rõ nhất qua nỗi khao khát gặp lại con sau 8 năm xa cách. Khi gặp lại con không chờ xuồng cập bến ông đã nhún chân nhảy thót lên bờ, xô chiếc xuồng tản ra, bước vội vàng với những bước dài rồi dừng lại kêu to: “Thu! Con”, anh vừa bước vừa khom người đón chờ con. Không ghìm nổi xúc động vết thẹo dài trên má anh đỏ ửng lên giần giật. Anh bước chầm chậm tới giọng lắp bắp run run: “Ba đây con”. Hẳn là tình cảm của anh kìm nén bao lâu nay ở chiến khu bủa vây lấy anh và rồi giờ đây được bộc lộ một cách mãnh liệt nhưng oái ăm thay bé Thu lại không chịu nhận anh là ba chỉ vì vết thẹo trên mặt làm ông Sáu không giống với bức ảnh chụp chung với má. Con bé giật mình tròn mắt nhìn ngơ ngác, lạ lùng rồi sợ hãi bỏ chạy. Còn anh anh đứng sững lại nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại và hai tay buông xuống như bị gãy. Có lẽ do quá bất ngờ và thất vọng vì đáp lại sự mong đợi của anh, thay vì bé Thu chạy xô vào lòng anh ôm chặt lấy cổ anh thì con bé tái mặt và thét lên: “Má! Má!”. Những hành động đó khiến ta thấy xót xa thương cảm cho anh khi tình cảm anh dồn nén suốt tám năm ròng ở chiến khu nay lại không được đứa con gái bé bỏng của mình chấp nhận. Trong ba ngày về thăm nhà anh luôn chìm trong nỗi khổ đến nổi không khóc được. Trước thái độ lạnh nhạt của bé Thu anh vô cùng bất lực. Suốt ngày anh chẳng đi đâu xa lúc nào cũng vỗ về con, mong được nghe con gọi một tiếng ba nhưng ông càng vỗ về, con bé càng đẩy ra và nó chẳng bao giờ gọi anh là ba. Hành động của con bé không chỉ khiến anh buồn mà còn khiến cho người đọc cảm thấy xót xa và buồn thay cho anh. Anh càng muốn gần gũi thì dường như sự lạnh lùng bướng bỉnh của con bé càng làm tổn thương anh. Còn gì đau đớn hơn một người cha giàu lòng thương con mà lại bị đứa con gái nhỏ từ chối? Có thể coi việc bé Thu hất cái trứng ra khỏi cái chén như một ngòi nổ làm bùng lên những tình cảm bấy lâu nay dồn nén chất chứa trong lòng anh. Khi con bé hất cái trứng anh gắp cho nó, vì giận quá không kiềm chế được nên anh đã đánh con. Có lẽ sự tức giận đó càng thể hiện rõ khát khao con gọi tiếng ba của anh. Người đọc cảm thấy rằng anh cũng nhìn nhận được rằng mình không đúng vì suốt tám năm trời chẳng thể về thăm con, chẳng làm gì được cho con nên nhân những ngày này anh muốn bù đắp cho con phần nào. Giá như không có cái bi kịch ấy, giá như bé Thu nhận ra anh sớm hơn thì có thể anh và con đã có những thời gian ngập tràn hạnh phúc, vui vẻ. Nhưng Nguyễn Quang Sáng lại có sự độc đáo, tài tình khi xây dựng tình huống truyện đã gây cảm động cho người đọc với những cảm xúc khác nhau, có lúc lại dồn nén hồi hộp, có lúc lại cảm thông thương xót, có lúc lại mừng mừng tủi tủi cho anh khi mà bé Thu cất tiếng gọi ba. Tiếng gọi tuy muộn màng nhưng lại có ý nghĩa vô cùng đẹp đẽ. Ai có thể ngờ được một người lính gan dạ, can đảm nơi chiến trường, quen với mưa bom bão đạn lại vô cùng mềm yếu trước con gái mình. Những giọt nước mắt hiếm hoi của một cuộc đời từng trải qua nhiều gian khổ lại rơi khi lần đầu tiên ông cảm nhận được sự ấm áp của tình ruột thịt. Mong ước “Ba về mua cho con một chiếc lược nghe ba” của bé Thu thật đơn sơ giản dị trong giây phút cha con từ biệt. Nhưng đối với anh lại là mơ ước đầu tiên và duy nhất nên nó cứ thôi thúc trong lòng anh. Tình cảm của anh giành cho bé Thu trở nên thiêng liêng, cao cả và mãnh liệt hơn bao giờ hết khi anh tự tay làm chiếc lược ngà cho con. Anh đã tỉ mẫn, kiên nhẫn và khéo léo như một người thợ bạc chế tác khúc ngà voi thành một chiếc lược ngà xinh xắn có khắc dòng chữ “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Tất cả tình yêu nỗi nhớ con đan xen nỗi ân hận day dứt khi lỡ tay đánh con như dồn cả vào công việc làm chiếc lược ngà ấy. Anh nâng niu chiếc lược như nâng niu đứa con bé nhỏ của mình. Chiếc lược ngà ấy như một vật ký thác của người lính về tình phụ tử sâu nặng và hẳn nhiên bom đạn quân thù không thể nào tàn phá được. Chiếc lược với dòng chữ mang theo bao tình cảm yêu thương, mong đợi của người cha đối với đứa con bé bỏng, hồn nhiên. Trong một lần chiến đấu, anh đã anh dũng hy sinh mà không kịp trăng trối điều gì, chỉ có một ánh mắt với ước nguyện cháy bỏng mong người bạn của mình sẽ là người thực hiện nốt lời hứa duy nhất của mình với con. Tình cảm của anh khiến ta cảm thấy ấm lòng và cảm động sâu sắc.

Không chỉ khắc họa thành công nhân vật ông Sáu, truyện ngắn “Chiếc lược ngà” còn làm cho người đọc vô cùng thích thú và ấn tượng với nhân vật bé Thu-một cô bé hồn nhiên trong sáng và có phần ương bướng cố chấp về tình cha con mãnh liệt của mình. Bé Thu là nhân vật trung tâm của câu chuyện được tác giả khắc họa hết sức tinh tế và nhạy bén, là một cô bé giàu cá tính bướng bỉnh và gan góc có chút lì lợm cố chấp nhưng lại một mực yêu thương, tôn thờ cha. Chỉ dành tiếng gọi ba cho người cha đích thực và duy nhất của mình. Nguyễn Quang Sáng xây dựng hình ảnh một bé Thu kiên quyết, ương ngạnh và khiến người đọc bất ngờ đan xen cảm động trước một tính cách nhất quán. Dù là bị mẹ quơ đũa dọa đánh, dù là bị dồn vào tình thế ép buộc phải gọi ba, dù là bị ông Sáu đánh, trong mọi tình huống bé Thu luôn bộc lộ tính cách gan góc của mình. Con bé nhất quyết không gọi một tiếng ba, nó nói trổng, nó lạnh lùng xa lánh. Nhưng phản ứng tâm lý đó là hoàn toàn tự nhiên bởi Thu còn quá nhỏ để hiểu được những đau thương mất mát do chiến tranh gây ra, và người lớn cũng chưa ai kịp chuẩn bị cho Thu hiểu điều đó. Đằng sau sự ương ngạnh, cứng đầu của bé Thu phải chăng ẩn chứa một tình yêu thương sâu sắc vẹn nguyên của em dành cho người cha trong tâm trí trẻ thơ-người cha trong tấm hình chụp chung với má. Tuy nhiên nói một cách khách quan, dù có bướng bỉnh cố chấp, tình cảm có sâu sắc mạnh mẽ thế nào thì Thu vẫn chỉ là một đứa trẻ mới lên tám với tất cả nét hồn nhiên ngây thơ của con trẻ. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng tỏ ra rất am hiểu tâm lý của trẻ thơ và diễn tả vô cùng sinh động với tấm lòng yêu mến và trân trọng.

Ở đoạn cuối, khi nghe bà khuyên nhủ và biết được nguyên nhân của mọi sự, khi biết vết sẹo trên má ông Sáu chính là hậu quả của chiến tranh thì giờ đây trong tâm trí của bé “ba” không chỉ là “người ba” mộc mạc, hiền hậu, chất phác mà là một ‘người ba” dũng cảm, bất chấp khó khăn để đem lại cuộc sống thanh bình cho đất nước, cho gia đình và cho chính con gái – bé Thu. Ta thật khó để phủ nhận bé Thu là đưa bé giàu tình cảm. Tình cha con trong em khát khao bấy lâu nay, giờ trỗi dậy một cách mạnh mẽ vào cái giây phút mà cha con phải tạm biệt nhau. Có ai ngờ rằng một cô bé không được gặp cha từ năm một tuổi vẫn luôn vun đắp một tình yêu bền bỉ và mãnh liệt với cha mình, dù người cha chưa hề bồng bế, cưng nựng, chăm sóc cho em, làm ngựa cho em cưỡi hay làm cho em một món đồ chơi. Nhưng với lòng yêu ba rất mực, nó có thể hình dung một người ba hiền hậu, chất phác, cao lớn, tài giỏi, luôn dõi theo từng bước, từng ngày phát triển của em. Rồi lên ba, lên bốn, rồi những bước đi chập chững đầu tiên, hình dáng người cha dang rộng vòng tay ôm nó vào lòng, dỗ dành những khi em ngã. Bóng dáng người cha đó đã hằn sâu vào tiềm thức, vào tâm trí em và tình cảm mãnh liệt đó ngăn không cho em nhận người lạ mặt kia làm ba. Đến ngày ba em sắp phải từ biệt gia đình đến khu căn cứ, em đứng ở góc nhà, theo dõi và khát khao được chạy đến ôm hôn ba nhưng dường như có cái gì đó vô hình chặn ngang cổ họng, làm em đứng nguyên ở đấy. Và rồi đến khi ba em khẽ nói “Ba đi nghe con” mọi cảm xác, mọi tình cảm bấy lâu nay em dồn nén, bỗng vở òa, em kêu hét lên “Ba .. aa á.. a”. Một tiếng kêu xé lòng, xé tan cả không khí im lặng bủa vây mọi người và xé tan ruột gan, cõi lòng của người đọc. Tiếng kêu đó như chạm phải trái tim ta, từng chút, từng chút một khiến ta phải xúc cảm bật khóc. Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người từ lúc tấm bé, người cha, người mẹ là quê hương “sẽ chắp cánh cho chúng ta bay cao, bay xa” để rồi khi thành công hay thất bại “quê hương” luôn rộng mở tấm lòng đón ta trở về, động viên, an ủi. Tình cảm ông Sáu và bé Thu không đơn thuần là những hành động, mà nó chất chứa trong con tim của em và ba. Tiếng kêu “Ba” từ trong sâu thẳm trái tim bé Thu, tiếng gọi mà ba, má đã dùng mọi cách để ép em gọi trong bao ngày ngắn ngủi trôi qua, tiếng gọi ba gần gũi lần đầu tiên trong đời em như thể em là đứa trẻ bi bô tập nói, tiếng gọi mà ba em tha thiết được nghe một lần, tiếng gọi mà em ấp ủ để gọi người ba đích thực của mình. Tiếng gọi ấy không chỉ khiến ba em bật khóc mà còn là cảm nhận mơ hồ về niềm sung sướng của một đứa con có cha của bé Thu. Sự hạnh phúc đó tuy ngắn ngủi nhưng được thể hiện rõ ràng qua những giọt nước mắt. Và người đọc cũng phải rơi lệ từ những xúc cảm của mình, rơi lệ để sẻ chia niềm vui đoàn tụ của ông Sáu và bé Thu.

Chiếc lược ngà với dòng chữ mãi mãi là kỉ vật, là nhân chứng về nỗi đau, về bi kịch đầy máu và nước mắt đã để lại nhiều ảnh hưởng bi thương trong lòng ta. Chiếc lược ngà là kết tinh tình phụ tử mộc mạc, đơn sơ mà đằm thắm, kì diệu, là hiện hữu của tình cha con bất tử giữa ông Sáu và bé Thu và là minh chứng cho lòng yêu thương vô bờ bến của ông Sáu với con. Chiếc lược ngà cùng lời dặn dò mang giá trị lớn lao. Cũng như người cha miền núi dặn con khi “lên đường, không bao giờ nhỏ bé được” trong “Nói với con” của Y Phương thì với Nguyễn Quang Sáng, ông đã xây dựng hình ảnh bé Thu lấy người ba dũng cảm đã hi sinh làm gương để mai này trở thành cô giao liên giải phóng gan dạ. Ta có thể nhận thấy rằng, chiến tranh là hiện thực đau xót của nhân loại nhưng từ chính trong gian khổ khốc liệt ấy thì những thứ tình cảm đẹp đẽ vẫn nảy nở và đó là phương tiện, là động lực cho con người mạnh mẽ đứng lên nối tiếp miền tin chiến thắng.

Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” là một bài văn ca ngợi tình phụ tử mộc mạc và thiêng liêng cao quý. Thể hiện rõ tình yêu của ông Sáu dành cho đứa con gái bé nhỏ của mình đồng thời phản ánh được hiện thực khốc liệt của chiến tranh, trong thời kì kháng chiến chiến chống Mỹ cứu nước.

“Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng được viết vào năm 1966 – khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra vô cùng ác liệt. Nhưng khi đọc truyện ngắn này, ta không hề nghe thấy tiếng bom rơi, đạn nổ mà thay vào đó là tiếng kêu, tiếng gọi tha thiết của tình phụ tử thiêng liêng, bất diệt. Đó là thành công của truyện ngắn này. Cảm ơn nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã cho thế hệ bạn đọc trẻ chúng con hiểu hơn về hiện thực khốc liệt của chiến tranh, hiểu hơn về vẻ đẹp và sức mạnh của con người Việt Nam trong quá khứ để chúng con biết trân trọng hơn cuộc sống tươi đẹp hôm nay.

6,810 views

Recent Posts

See All

Cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật Phương Định

BÀI LÀM Trong những năm tháng dất mẹ đau thương ngập ngụa trong nỗi đau chiến tranh, nước nhà chia cắt, đã có biết bao thanh thiếu niên sẵn sàng rời ghế nhà trường, cống hiến sức khỏe và tuổi trẻ của

bottom of page