top of page

Từ bài thơ “Đi đường” của Hồ Chí Minh...

Từ bài thơ “Đi đường” của Hồ Chí Minh, em có suy nghĩ gì về việc học tập của học sinh hiện nay?

BÀI LÀM

Nguyễn Thị Hiền Minh

Lớp 8A. Năm học: 2015-2016

Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta không những là vị cha già hiền từ của dân tộc mà còn là một nhà thơ lớn, nhà cách mạng lỗi lạc. Trong quá trình gian nan giành lại được độc lập cho nước nhà. Người đã sáng tác biết bao tác phẩm để đời cho thế hệ con cháu, tiêu biểu có bài thơ “Đi đường”-trích từ tập “Nhật kí trong tù”. Là một học sinh, khi học và tìm hiểu sâu về bài thơ này, chúng ta sẽ nghiệm ra cho mình bài học vô cùng quý giá, những bài học cuộc sống không chỉ được áp dụng xuyên suốt chặng đường cách mạng mà còn hữu ích đến tận ngày nay.

Người sáng tác bài thơ “Đi đường” trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, khi Người đang bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và đang trên đường chuyển lao. Đường đi gặp biết bao núi, bao gian khổ vậy mà khi lên đến đỉnh lại “thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”. Trong hoàn cảnh là một người tù cách mạng trên đường đi chuyển từ nhà ngục này sang nhà ngục khác, từ khó khăn này sang khó khăn khác, vậy mà Người vẫn viết ra một bài thơ ý nghĩa như thế. “Đi đường” không chỉ là sản phẩm ngẫu hứng làm thơ của Người mà dường như còn ẩn chứa những mong mỏi, những nguyện vọng về sự phát triển của cách mạng thời đó. Núi cao, đường gập ghềnh khúc khuỷu là những khó khăn của việc đi đường núi, phải chăng cũng là tượng trưng cho những thách thức, cản trở của cách mạng còn non yếu? Và phải chăng cái sự “thu vào tầm mắt muôn trùng nước non khi lên đến đỉnh núi chính là thành quả rực rỡ, là ngụ ý cho thắng lợi cách mạng ta đã dành được ngày hôm nay.

Ngay từ ngày xưa, chính thành quả của việc đi đường núi, chính chiến thắng rực rỡ giành lại non sông là bằng chứng chân thực, chắc chắn nhất rằng: Nếu biết vượt qua khó khăn, ta sẽ đạt được những thành tựu xứng đáng. Điều đó, không những đúng với cách mạng, với một công việc đơn giản như đi đường núi mà còn đúng với cuộc sống và quan trọng hơn cả đối với học sinh chúng ta là việc học. Thực ra, học tập cũng là một chặng đường với muôn vàn những khó khăn, cám dỗ, thách thức.Và chúng ta, những học sinh là những người chinh phục chặng đường đó, để tiến gần hơn nữa đỉnh cao kiến thức mà biết trước chặng đường học tập sẽ không bao giờ rải đầy hoa hồng để chúng ta bước qua.

Học tập không phải là điều đơn giản. Nó đầy rẫy những thử thách mà nếu ta không bình tĩnh đối mặt sẽ bị nhấn chìm trước những khó khăn. Xã hội hiện nay có biết bao những yếu tố tác động xấu, gây cản trở việc học: trò chơi, tệ nạn xã hội, gia đình không hòa thuận,… Xin chớ lầm tưởng rằng đó là những khó khăn. Cái khó mà tôi muốn nói đến ở đây là ý chí, thái độ, sự bền bỉ và bình tĩnh mà chúng ta phải có để vượt qua những viên đá cản đường đó. Thoạt nghe có vẻ phi lí nhưng rất chính xác. Dù không biết bao nhiêu chông gai phía trước, dù xuất phát điểm của bạn có thiệt thòi ra sao , có thua kém như thế nào, chỉ cần bạn bền bỉ, vững lòng, chỉ cần bạn không ngại khó khăn, thì ắt hẳn bạn sẽ vượt qua, đạp đổ tất cả những khối đá ngáng chân đó và tiếp tục con đường học tập của mình với thành tựu đáng giá cùng sự tự tin không dễ có được. Ngược lại, cho dù bạn có hoàn hảo đến mấy, chuẩn bị hành trang kĩ ra sao, nếu ý chí, sự quyết tâm của bạn dễ lung lay thì chỉ một hạt cát nhỏ giữa đường cũng làm bạn gục ngã, nếu không muốn nói là đầu hàng trước khó khăn. Nhưng gục ngã không có nghĩa là bạn đã thất bại, điều đó còn tùy thuộc vào bạn có còn đủ sức đứng dậy và đi tiếp hay không. Kì thực mà nói, vượt qua hay chấp nhận khó khăn, gục ngã rồi đứng lên hay buông xuôi, thành công hay thất bại đều do bạn quyết định.

Từ quá khứ đến hiện tại, ở Việt Nam hay trên thế giới đã không biết bao nhiêu người chứng minh được điều đó. Ban đầu, họ đều là những người dân bình thường có điều gì đã làm họ nổi tiếng, được muôn người biết đến và ngưỡng mộ? Đó chính là sự kiên trì, lòng quyết tâm, là sự bền bỉ cùng ý chí đáng khâm phục của họ. Ở Việt Nam chúng ta có một người như thế, không ai khác chính là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Nếu ngần ngại , chùn bước trước khó khăn ắt hẳn Bác đã không tìm ra được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc và Việt Nam vẫn đang trong cảnh xiềng xích nô lệ của bọn đế quốc thực dân, và may mắn thay thế giới ngày nay cũng có một minh chứng cụ thể, một tấm gương đáng phục như thế để chúng tôi noi theo-diễn giả, dịch giả Nick VuJick . Ai mà ngờ được cậu bé Nick không có cả chân tay lại trở thành một hiện tượng thế giới sau này. Đó không phải là kì tích mà là món quà xứng đáng cho ý chí của cậu bé. Ngay từ còn nhỏ, cậu đã chịu bao lời dèm pha của miệng lưỡi thế gian mà cậu vẫn vượt qua được, vẫn thành công với ước mơ của mình và trở thành diễn giả nổi tiếng, truyền động lực cho hàng triệu người cùng cảnh ngộ trên thế giới. Vậy, tại sao chúng ta không làm được? Vượt qua khó khăn và thành công như thế ?

Những gì chúng tôi cần làm bây giờ là rèn giũa bản thân, không ngừng cố gắng, nâng cao quyết tâm, rèn luyện ý chí và luôn sẵn sàng đối mặt với thử thách. Đừng sợ gục ngã vì gục ngã sẽ cho ta cơ hội đứng lên. Hãy sợ bản thân vì ta chính là nguyên nhân của nguồn khó. Không đầu hàng trước thử thách và chúng ta sẽ là những người chiến thắng không chỉ trong học tập mà còn trong cuộc sống hằng ngày.

Chúng ta phải không ngừng cố gắng và đừng bao giờ e ngại khó khăn. Là học sinh, chúng ta còn trẻ, vấp ngã thì đứng lên. Điều chúng ta đạt được sau này là thành quả hay hậu quả, không phụ thuộc vào những cản trở trên đường đời, cụ thể hơn là con đường học vấn mà phụ thuộc vào lòng người.

Nếu mỗi học sinh vững niềm tin vào bản thân, không bao giờ lùi bước trước khó khăn thử thách thì tôi tin chắc rằng “cách mạng học vấn” của chúng ta sẽ thắng lợi vẻ vang, rực rỡ như cách mạng giải phóng dân tộc của cha ông ta ngày trước.

5 views

Recent Posts

See All
bottom of page