top of page

4. Từ bài “Bàn luận về phép học” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp...


4. Từ bài “Bàn luận về phép học” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa học và hành.

BÀI LÀM 1

Nguyễn Thị Hiền Minh

Lớp 8A. Năm học 2015-2016

Trong xã hội ngày nay, học tập trở thành yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết đối với quá trình hình thành nên nhân cách của con người. Nhưng phải học thế nào mới có hiệu quả? Học thế nào mới là chân chính? Trong đoạn trích “Bàn luận về phép học” từ bài tấu dâng lên Quang Trung, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã nhấn mạnh vấn đề này: “Học rộng rồi tóm lược lại cho gọn, theo điều đã học mà làm”. Thế mới thấy, ngay từ thời xưa, mối quan hệ giữa học và hành đã được chú trọng hơn cả.

Vậy học là gì? Hành là gì? Xin thưa học là quá trình tìm tòi, học hỏi, là quá trình rèn giũa, đúc kết những kiến thức trong cuộc sống. Học không bó hẹp trong phạm vi nhà trường mà rộng ra sách báo, kinh nghiệm, truyền hình,…Học còn là sự tiếp thu từ các hành động, việc làm thực tiễn, mắt thấy tai nghe. Thế mới biết cái sự học nó to lớn và vĩ đại như thế nào! Kiến thức của những kẻ suốt ngày ba hoa chích chòe, khoác lác không biết ngượng có chăng cũng chỉ như hạt cát trên sa mạc, như giọt nước nhỏ giữa đại dương mênh mông. Vì vậy, chúng ta phải học suốt đời như Lê-nin đã từng nhắc nhở: "Học, học nữa, học mãi".

Còn hành là vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế. Thoạt nghe nó cũng đơn giản và dễ dàng làm sao! Nhưng ôi thôi, vận dụng mà không biết suy nghĩ, vận dụng mà không chọn lọc tình huống thì cũng không khỏi rước cái tiếng “thất học” hay “học vẹt” vào thân. Hành chính là sử dụng giá trị của việc học một cách khéo léo, tinh tế, phải làm sao cho “cái học” nó không bị mai một vô ích. Hay nói cách khác, hành là mục đích của việc học, là bước tiến gần hơn nữa trong khái niệm “Học để làm người”.

Vậy mà, không hiểu sao vẫn có một số đông người cho rằng: chỉ học mà không cần hành. Ấy thế thì học để làm gì? Chẳng lẽ học để chờ dịp thoải mái uống trà đố nhau, để đến dịp lại bày ra cái vẻ mặt: “Ta đây biết rồi” với người khác? Xin chớ quên, học không phải để cho vui hay để thỏa mãn những mục đích tầm thường, học cũng có cái mục đích của nó, mà cái mục đích ấy cũng quan trọng và cao cả xiết bao! Những kẻ học mà không biết hành, học vẹt, học hình thức hay học một cách qua loa, đại khái rồi cũng sẽ trở thành những “cỗ máy” gắn cái mác mang tên “học tập” mà thôi.

Có học tất có hành. Ta phải thực hành, phải sử dụng những điều đã học vào thực tế, như thế mới là học chân chính, là học có hiệu quả. Học hành không những giúp ta tiến gần hơn với phần “người”, bỏ xa phần “con” mà còn đem lại lợi ích vô cùng lớn lao, đạt được ước mơ và nguyện vọng của bản thân. Trong lịch sử, đã biết bao vị danh nhân chứng minh được điều đó: Bác Hồ của chúng ta đã học tập miệt mài cực khổ ra sao, đã vận dụng kiến thức đó vào con đường cứu nước như thế nào, con dân Việt Nam chắc hẳn ai cũng biết. Giả như Bác chỉ học mà không hành, chỉ đọc sách, tìm tòi học hỏi từ các vị đi trước như C. Mác, Lê-nin mà không biết cách từ đó rút ra con đường cứu nước sáng suốt cho dân tộc Việt Nam, phải chăng giờ đây, dân ta vẫn phải chịu cảnh gông cùm, xiềng xích, vẫn phải là nô lệ của bọn thực dân, đế quốc.

Đấy! Ngay cả vị chủ tịch lỗi lạc muôn người kính trọng như Bác cũng phải học và hành mới đạt được kết quả đẹp đẽ, thử hỏi có kẻ nào dám lớn tiếng học mà không hành vẫn thành công cho được!

Nói thế không có nghĩa là hành quan trọng hơn việc học. Ông cha ta có câu “Học đi đôi với hành” quả không sai. Học và hành luôn bổ trợ cho nhau nếu khuyết một trong hai sẽ không bao giờ thành công được. Hành là mục đích của việc học. Nhưng học cũng là mục đích của việc hành. Ta phải học mới có đủ hiểu biết, đủ kiến thức để hành, có thể thất bại nhiều lân hoặc thành công từ lần đầu tiên, còn phải hành mới đúc kết được kinh nghiệm từ mỗi lần thất bại, bổ sung cho việc học hoàn thiện, đầy đủ và tốt đẹp hơn. Có câu “Kiến thức và thực tế là một khoảng cách xa vời”, anh có học nhiều đến mấy, tài giỏi đến mấy thì khi vận dụng thực tế, anh cũng chi là một kẻ mới bắt đầu mà thôi. Vậy nên chúng ta cần học và hành. Vậy nên chúng ta mới biết tầm quan trọng của học và hành. Vậy nên chúng ta mới hiểu mình đứng ở đâutrên nấc thang kiến thức, nếu chỉ học mà không hành, hay hành mà không học.

Học hành đã trở thành một khái niệm quá đỗi quen thuộc với chúng ta nhưng mấy ai thực hiện được. Xin đừng lãng phí thời gian, công sức, tiền của vào việc học mà vô tình hay hữu ý lãng quên việc hành. Bảo rằng: “Học để trở thành người có ích”, tôi xin mạn phép sửa thành “Học hành mới trở thành người có ích”. Hãy biết cân bằng giữa việc học và hành nếu muốn những giá trị học tập không bị thui chột. Những người vẫn đang phân biệt nặng nhẹ giữa học và hành xin sửa đổi để có một kết quả tốt đẹp, một xã hội tiến bộ và một đất nước hùng mạnh hơn!

BÀI LÀM 2

Lê Trần Khánh Ngọc

Lớp 8A. Năm học 2016-2017

Người xưa đã dạy: "Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học, không biết rõ đạo." Ở đây người ta đã sử dụng một phép so sánh thú vị và đúng đắn biết bao. Ngọc không mài cũng như thứ đồ bỏ đi, vô dụng và phí hoài, người không học cũng tương tự thế. Sống trên đời, chẳng dưng ai lại có được tài năng, trở thành con người có ích mà không trải qua một quá trình rèn luyện, học tập. Việc học quan trọng là thế, tuy nhiên học ra sao cho có hiệu quả thì không phải ai cũng biết. Điều đó đã biến thành câu hỏi lớn với nhiều người, trong đó có Nguyễn Thiếp. Qua bài "Bàn luận về phép học", ông đã nêu lên một quan điểm rất tiến bộ về phương pháp học, chính là: theo điều học mà làm. Có nghĩa, học phải đi đôi với hành. Vậy liệu mối quan hệ giữa học và hành là gì mà quan trọng đến thế, để bây giờ dù đã hơn hai thế kỉ trôi qua kể từ khi văn bản ấy ra đời, điều đó vẫn luôn đúng và đã trở thành kim chỉ nam trên con đường chiếm lĩnh tri thức, mở lối ta đi đến thành công?

Để hiểu rõ hơn quan điểm sâu sắc của Nguyễn Thiếp, trước tiên ta cần hiểu "học" là gì và "hành" là gì ? Học là quá trình tìm tòi, thu nhận, tích lũy kiến thức để có thể hiểu biết về mọi mặt. Việc học không chỉ đơn thuần thông qua hướng dẫn giảng dạy của thầy cô, sự truyền thụ kinh nghiệm của người lớn tuổi hơn trao lại mà còn thông qua sách vở, truyền thông và sự trao đổi với bạn bè. Tuy nhiên, học thì ta mới chỉ dừng lại ở phần lý thuyết. Để biến phần lý thuyết đó thành thực tế, hiển nhiên, ta phải thực hành. Vậy "hành" là gì? Hành là những thao tác nhằm vận dụng các kĩ năng, kiến thức đã tiếp thu, tích lũy được vào việc giải quyết các tình huống, vấn đề cụ thể. Có thể nói, học và hành là hai mặt của một quá trình thống nhất, có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết không thể tách rời và chúng bổ sung cho nhau, bù trừ để khiến mỗi bên trở thành hoàn thiện. Tại vì sao? Tại vì, muốn thực hành tốt, có hiệu quả, đầu tiên ta phải có kiến thức để áp dụng vào hành động, hay nói cách khác, việc học chính là tạo cơ sở để chúng ta thực hành. Mặt khác, "hành" vừa là mục đích, vừa là phương pháp học tập. Ta học để ta thực hành, đó là việc chắc chắn. Bên cạnh đó, chúng ta nắm được lý thuyết thì sẽ thực hành tốt, từ đó sẽ hiểu rõ và ghi nhớ lý thuyết hơn. Khi đó, việc học sẽ trở nên rất dễ dàng và có hiệu quả. Nếu ta học mà không hành, lúc ấy những lý thuyết mà ta tiếp thu được chỉ là lý thuyết suông, không có chút giá trị nào. Chúng sẽ nhanh chóng trôi vào quên lãng bởi lượng kiến thức mà chúng ta tiếp nhận mỗi ngày là rất lớn, trí nhớ ta không thể nào chứa hết được. Ngược lại, nếu ta thực hành mà không có chút lý thuyết hay kinh nghiệm đã được đúc kết lại dẫn dắt thì ta sẽ lúng túng, gặp rất nhiều khó khăn trở ngại. Khi đó, việc thực hành sẽ khó đạt được kết quả cao ,mà thường sẽ thất bại và đôi khi dẫn đến những sai lầm to lớn. Bởi vậy có người đã nói, học mà không hành thì vô ích, còn hành mà không học thì hành không trôi chảy. Học và hành bổ sung cho nhau và có ý nghĩa to lớn đối với nhau.

Quả vậy, việc "học phải đi đôi với hành". Đây chính là bài học kinh nghiệm của nhân loại trong lịch sử loài người. Giả sử, một sinh viên ngành y tốt nghiệp loại giỏi nhưng lại chưa cầm đến chiếc dao mổ để thực hành, nay ra trường đi làm việc, khi được giao việc phẫu thuật cho một người, liệu cậu ta có thể thực hành tốt? Mạng người vốn quý giá bao nhiêu, nay được giao cho một kẻ tay mơ, miệng có thể đọc vanh vách lý thuyết nhưng chân tay lại lóng ngóng, vụng về, đụng đâu đổ đó. Vậy liệu mạng số đó có trở nên quá rẻ rúng, rồi có thể dẫn đến cái chết bao phần oang uổng? Ai cũng chẳng phủ nhận kiến thức của cậu sinh viên ấy, nhưng có người nào đủ can đảm để giao tính mạng của người thân mình cho một kẻ chỉ giỏi việc học thuộc còn khả năng vận dụng kiến thức lại gần như bằng không. Học thuộc các kiến thức trong sách giáo khoa không phải là điều xấu, nhưng điều quan trọng là ta phải biết kết hợp kiến thức với thực hành sao cho hợp lý. Kể về điều này, ta đã từng nghe danh biết bao tấm gương sáng ở nước nhà và trên toàn thế giới. Như nhà khoa học Ê-đi-sơn, vốn đã có tư chất thông minh lại chăm chỉ đọc sách, tay cầm đinh búa thực hành hàng ngàn lần như một người thợ. Cuối cùng ông đã sáng chế ra chiếc bóng đèn đầu tiên, nổi danh toàn thế giới. Sự nổi tiếng ấy chắc chắn có sự góp phần không nhỏ của việc kết hợp giữa học và hành một cách rất hợp lý mà Ê-đi-sơn đã vận dụng được. Hay như trong hai cuộc đấu tranh gian khổ của dân tộc, Bác Hồ như vì sao sáng, sáng vì học thức uyên thâm, sáng vì cả những hi sinh của Người cho đất nước. Người đã vận dụng hết mọi tri thức mà Người học hỏi được từ các cường quốc khác để cứu lấy dân tộc ta. Người đã thành công rực rỡ, đã cứu lấy quê hương Tổ quốc thân yêu, đã cứu lấy nền hòa bình vốn có thể đã bị nhấn chìm trong biển máu chiến tranh. Có rất nhiều thành công khác bắt nguồn từ việc vận dụng tốt tri thức đã học vào thực tế mà ta không thể kể hết. Nhưng xin hãy nhớ, bên cạnh đó có biết bao ước mơ đẹp đẽ biến thành mộng tưởng hảo huyền chỉ vì không học, không trang bị đầy đủ tri thức, chỉ chăm chăm làm việc như một có rô bốt vô tri vô giác, như một con vẹt học tiếng người, nói tiếng người mà chẳng hiểu mình đang nói gì. Hãy biết học và hành đúng đắn để tránh những tai hại ấy và nhận được những thành công lớn lao, bởi chỉ có học thì hành mới trôi chảy, và chỉ có hành thì học mới có ý nghĩa.

Việc học phải đi đôi với hành quan trọng như vậy, nhưng liệu đã có mấy nhà trường ở Việt Nam thực hiện được tiêu chí đó. Giáo dục còn nặng về lý thuyết, học sinh ít khi được thực hành nên kiến thức đã học chỉ là lý thuyết suông. Khác hẳn tại nước ngoài, cứ sau mỗi buổi học lại có một buổi thực hành để cung cấp kiến thức. Vậy nguyên nhân do đâu mà khả năng thực hành ở nước ta lại hạn chế như vậy? Đó là do điều kiện vật chất không đủ để đáp ứng nhu cầu thực hành, thậm chí có một trường còn xem nhẹ và coi thường việc vận dụng kiến thức vào thực tế. Thiết nghĩ, nhà nước ta cần đầu tư hơn về giáo dục để tránh tình trạng học vẹt, hỏng kiến thức mà còn đào tạo ra nhiều nhân tài đưa nước ta đi lên, phát triển.

Lời dạy của Nguyễn Thiếp thật sâu sắc. Hãy nhớ: Đạo học thành thì người tốt nhiều; người tốt nhiều thì triều đình ngay ngắn mà thiên hạ thịnh trị". (Nguyễn Thiếp) Để đạo học thành, ta hãy biết cách kết hợp việc học và hành sao cho thật hợp lí, bởi học và hành giúp bổ sung cho nhau để hoàn thiện hơn. Được vậy, ta sẽ trở thành những con người có ích xây dựng quê hương Tổ quốc ngày càng tốt đẹp hơn.

14,142 views

Recent Posts

See All
bottom of page