top of page

Cảm nhận bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh


BÀI LÀM

Hồ Thị Linh Đan

Lớp 9B. Năm học: 2011-2012

''Em không nghe mùa thu

Lá thu rơi xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô.''

(Tiếng thu- Lưu Trọng Lư)

Vâng, cũng giống như mùa xuân, mùa thu cũng là đề tài muôn thuở của thơ, ca, nhạc, họa. Mỗi một nhà văn, nhà thơ đều muốn đóng góp những tác phẩm mang đậm dấu ấn riêng của mình vào khoảng trời thu bao la rộng lớn ấy. Nếu Nguyễn Khuyến có chùm thơ thu nổi tiếng với ba bài: thu điếu, thu vịnh, thu ẩm thì Hữu Thỉnh cũng góp vào làng thơ thu của làng quê Việt Nam một chớm “Sang thu’’ nhẹ nhàng mà tinh tế. Với thể thơ 5 chữ, giọng tự nhiên, “Sang thu” đã tái hiện lại khung cảnh thiên nhiên vùng Bắc Bộ đẹp, mơ mộng trong thời khắc chuyển mùa này và đồng thời Hữu Thỉnh còn thể hiện những chiêm nghiệm, những triết lí sâu sắc về con người, về cuộc đời.

Đối với các nhà văn, nhà thơ khác, mùa thu là tiếng lá vàng rơi xào xạc, là màu vàng rực rỡ của bông hoa cúc hay là bầu trời xanh cao vời vợi...Khác với những cảm nhận về mùa thu đó, Hữu Thỉnh cảm nhận mùa thu bằng một hương vị khác: Hương ổi:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Chẳng phải cảm nhận những hương vị nồng nàn, hương ổi của mùa thu trong thơ Hữu Thỉnh thật nhẹ nhàng mà thanh khiết. Mùa thu với cái lạnh nhè nhẹ của gió se đầu mùa mang theo hương ổi lan rộng khắp không gian tạo nên một cảm giác thật nhẹ nhàng, thú vị. Từ “phả” có nghĩa là tỏa ra trực tiếp và đột ngột. Phải chăng, sau những ngày nắng chói chang, mùa hạ đã lặn vào quả chín để rồi tỏa ra hương vị ngọt ngào lúc vào thu. Cảm nhận mùi vị thanh khiết của hương ổi, cái lạnh của gió se, sau đó, tác giả bắt gặp “Sương chùng chình qua ngõ”. Động từ “chùng chình” thể hiện một tốc độ chậm chạp, nửa muốn ở, nửa lại muốn đi. Vẻ trắng mờ của màn sương “chùng chình” vùng Bắc Bộ thật là đẹp. Mặc dù đặt nhan đề là “Sang thu” nhưng trong câu tiếp theo, nhà thơ lại viết:

Hình như thu đã về

Như vậy, mùa thu ở đây không chỉ là một ý niệm về không gian, mà còn nói lên một tâm trạng, một tâm hồn. Hữu Thỉnh cảm thấy thật đột ngột, ngỡ ngàng, bâng khuâng và có chút nghi hoặc trước sự chuyển biến của đất trời lúc vào thu. Vì sao vậy? Có lẽ, vì nhà thơ quá vui sướng, hạnh phúc khi đất nước thanh bình, cũng có thể là nhà thơ lưu luyến, tiếc nuối một điều gì đó hay có thể vì một nguyên nhân khác. Qua sự miêu tả và cảm nhận mùa thu của Hữu Thỉnh, ta thấy được đó là một cảm nhận rất tinh tế và độc đáo.

Khổ tiếp theo, tác giả tiếp tục miêu tả cảnh thiên nhiên, đất trời trong phút chuyển mùa ấy:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.

Sông thì “dềnh dàng”. Không phải là nhịp chảy nhanh, cuồn cuộn khi có những cơn mưa rào ào ạt của mùa hè nữa, mà bây giờ, con sông đã trở về thế nhẹ nhàng với nhịp chảy thong thả. Còn chim thì “vội vã”. “Vội vã” là một trạng thái hành động gấp gáp, khẩn trương. Vì sao những con chim trở nên vội vã như vậy? À: Thì ra gấp gáp tha mồi, làm tổ, chuẩn cho mùa đông dài rét mướt. “Dềnh dàng”, “vội vã”, đây là hai tốc độ hoàn toàn trái ngược nhau trong giây phút giao thoa của muôn loài, muôn vật, và giây phút ấy còn được thể hiện rất tinh tế ở đám mây mùa hạ với tư thế rất độc đáo:

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Ở đây, ta đã dùng biện pháp nghệ thuật nhân hóa thật khéo. Đám mây mùa hạ mà biết vắt nửa mình sang thu. Câu thơ gợi bầu trời như chia nửa: một nửa còn ở lại với mùa hạ còn một nửa đã bước sang thu. Đám mây có nỗi niềm gì mà lưu luyến, vấn vương? Hay dường như, Hữu Thỉnh vẫn còn tiếc nuối mùa hạ rực rỡ và ngỡ ngàng khi đến với cái dịu hiền của mùa thu.

Trong tâm trạng ấy, tác giả viết tiếp khổ cuối:

“Vẫn còn bao nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi”

Vẫn là nắng, mưa, sấm của mùa hạ, nhưng tất cả đã giảm dần cả mức độ lẫn cường độ khi thu sang. Những tia nắng chói chang của mùa hạ đã lặn đi từ lúc nào, thay vào đó là những tia nắng nhẹ, vàng nhạt trải dài không gian. Những cơn mưa rào ào ạt không biết đã kéo đi đâu, đến nơi nào và cả tiếng sấm cũng đã trở nên bớt bất ngờ “trên hàng cây đứng tuổi”. Nắng, mưa, sấm ở đây còn là những hình ảnh biểu tượng của cho những gian lao, vất vả, nhọc nhằn mà mỗi con người cần phải vượt qua trong cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” chỉ những con người từng trải, dạn dày kinh nghiệm trong cuộc sống. Bởi vậy, họ ít chịu ảnh hưởng bởi những vang động của cuộc đời, cũng giống như:

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Sang thu, con người ta đã không còn trẻ trung nữa, mà đã bước sang tuổi tứ tuần. Mỗi một con người cũng như một cá thể cây, cũng non nớt, lớn lên rồi già cỗi. Con người khi bước sang tuổi tứ tuần thì tất nhiên sẽ có người kinh nghiệm trong cuộc sống và cũng... già đi. Đó là điều hiển nhiên. Từ đây, ta thấy được rằng: tâm trạng lưu luyến của tác giả khi thu sang.

70 views

Recent Posts

See All
bottom of page