top of page

Phân tích một tác phẩm văn học em yêu thích trong chương trình Ngữ văn 9

BÀI LÀM

Bàn về văn chương, có ý kiến cho rằng: Dù viết về cái gì,văn chương chân chính cũng hướng về con người. Viết về cái xấu để cảnh tỉnh con người, để báo động giúp con người sống với bản tính tốt đẹp của mình. Viết về cái tốt để con người tự tin ở mình và đó chính là hành trang cần có ở con người trong cuộc hành trình tới tương lai. Thật vậy, văn chương như một dòng sông chảy nặng phù sa, nó chảy quanh đời ta và bồi đắp cho tâm hồn ta những tình cảm. Tình cảm mà văn chương bồi dắp ấy là tình yêu quê hương, đất nước thiêng liêng, sâu sắc, là tình cảm gắn bó keo sơn, ấm áp, thân thương giữa con người với con người. Đến với tác phẩm “Làng” của Kim Lân, ta có thể cảm nhận rõ tình cảm đó. Với nghệ thuật miêu tả tâm lí và ngôn ngữ nhân vật đặc sắc, cách xây dựng tình huống truyện bất ngờ, “Làng” của Kim Lân đã để lại ấn tượng sâu sắc về tình yêu làng, yêu đất nước và tinh thần kháng chiến của người dân Việt Nam lúc bấy giờ.

Nổi bật trong tác phẩm là nhân vật ông Hai, một người nông dân chất phác, tính tình vui vẻ, cởi mở, đặc biệt đáng quý ở ông là tình yêu với làng quê, với đất nước và tinh thần kháng chiến đáng khâm phục.

Sinh ra và lớn lên ở làng Chợ Dầu, ông Hai là một người nông dân suốt đời nguyện sống ở quê hương, nguyện gắn bó máu thịt với từng con đường, từng ngôi nhà, thửa ruộng, từng ngọn cỏ nhành cây nơi đây. Vậy mà, chiến tranh xảy ra, ông phải rời quê hương, nơi chôn rau cắt rốn đi tản cư lên làng Thắng. Ở nơi đất khách quê người, ông chưa bao giờ quên cái làng Chợ Dầu yêu thương ấy, trong lòng ông lúc nào cũng nhớ về quê hương. Điều đó chứng tỏ, ông là một con người yêu làng sâu sắc. Bởi dẫu bận bịu với cuộc sống mưu sinh, kiếm cái ăn, cái mặc để trang trải cuộc sống nhưng ông chưa bao giờ thôi kể về cái làng của mình cho mọi người nghe. Ông khoe rằng làng ông đẹp lắm, đường làng cao ráo sạch sẽ và có cái sinh phần của viên tổng đốc người làng rõ to. Ông luôn nhớ những buổi cùng anh em đào hào, dắp ụ để phục vụ kháng chiến. Và dẫu có đi tản cư ở nơi xa nhưng ông luôn băn khoăn: cái đường hầm bí mật giờ này chắc vẫn còn khướt lắm.Ông cảm thấy vui mừng vì làng ông là làng tích cực kháng chiến. Khi nghe tin tức từ sách báo, biết quân ta thắng lớn, ruột gan ông lão cứ múa cả lên vui quá. Ông tự hào lắm, sung sướng lắm! Sự tự hào, sung sướng ấy của ông thật đáng trân trọng biết bao! Bởi nó thể hiện tình yêu quê hương, đất nước ẩn sâu trong tâm hồn người nông dân chất phác, đôn hậu. Và hơn cả là tình yêu ấy bao trùm lên cả tình yêu với làng quê của ông. Ông đã cho chúng ta thấy sự nhận thức sâu sắc của mỗi người dân Việt Nam khi tự nguyện đi theo kháng chiến, gắn bó với cách mạng suốt cuộc đời.

Vốn yêu làng tha thiết, nên khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc thì cổ họng ông lão “nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân”, cả người lặng đi tưởng chừng như đến không thở được. Cái tin “ động trời” ấy đã đến quá đột ngột khiến ông bàng hoàng đau đớn. Ông chưa dám tin đây là sự thật và cố hỏi lại mọi người một lần nữa. Nhưng rồi khi người ta khẳng định đó là tin chính xác thì ông nhục nhã, tủi hổ vô cùng. Ông sợ hãi phải bắt gặp ánh nhìn của mọi người, sợ mọi người biết ông là dân Chợ Dầu, là người thường khoe về ngôi làng giàu đẹp ấy nên ra đường cứ cúi gằm mặt xuống mà đi không dám nhìn ai. Về nhà, ông gắt gỏng với vợ con một cách vô cớ. Ông ngắt lời vợ khi bà nhắc đến cái tên Chợ Dầu. Đau đớn, tủi hổ, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Ông đã khóc, khóc vì tủi hổ, vì đau đớn và vì quá yêu làng. Giờ đây, cuộc sống của gia đình ông sẽ thế nào, tương lai của các con ông sẽ ra sao khi bị coi là cái giống Việt gian bán nước? Ông trằn trọc suốt đêm không sao ngủ được, chân tay cứ nhũn cả ra, ông lo lắng, chột dạ khi nghe thấy tiếng nói, tiếng cười từ xa. Có lẽ, ông thắc mắc liệu có phải họ đang nói về cái làng Chợ Dầu của ông? Đang cười nhạo ông đó không ? Ông lo người ta chửi, người ta ghê tởm, thù hằn cái giống Việt gian bán nước.

Sự lo lắng, đau đớn, dằn vặt, hổ thẹn đến tột độ ấy đã đẩy ông đến bế tắc, tuyệt vọng, đặt ông vào tình huống lựa chọn khó khăn. Giữa làng với nước bên vào tình nặng nghĩa sâu? Bên nào quan trọng hơn đối với ông? Và rồi, sau tất cả, ông đã đưa ra quyết định quan trọng: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù” Quyết định ấy làm ông đau đớn vô cùng, nhưng qua đó ta có thể nhìn thấy sự nhận thức sâu sắc của ông Hai. Với ông, tình yêu đất nước bao trùm lên tình yêu làng quê. Và có lẽ ông đã đưa ra một quyết định đúng đắn, ông như nhẹ vơi nỗi lòng khi nghe lời đứa con trai nói. Ông hỏi con sinh ra ở đâu và nó trả lời: “nhà ta ở làng Chợ Dầu”. Ông hỏi con ông ủng hộ ai thì nó bảo: “ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm”. Với ông, chắc hẳn chỉ cần như vậy là đủ rồi. Ông sẽ đi theo kháng chiến, đi theo cụ Hồ nhưng vẫn không quên quê hương của mình. Tình yêu và sự thủy chung của ông Hai với làng, với kháng chiến với đất nước thật đáng trân trọng biết bao.

Những tưởng, suốt đời ông Hai sẽ sống trong đau khổ, dằn vặt nhưng một điều kì diệu đã đến với ông. Ông nghe được tin cải chính làng mình không theo giặc. Ôi, bao cảm xúc vui sướng vỡ òa trong giây phút ấy. Khuôn mặt ông rạng rỡ hẳn lên, mồm bõm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ hấp háy rồi ông chia quà cho các con như muốn san sẻ niềm vui. Ông như trút hết được gánh nặng bấy lâu trong lòng mình. Ông vui sướng hả hê khi nhà ông bị đốt. Tại sao ư? Vì điều đó minh chứng cho lòng ông trong sạch, cho làng Chợ Dầu ông trong sạch. Ông cũng cần nhà nhưng nhà thì có thể xây lại được còn khi nước mất thì nhà cũng đâu còn. Tâm trạng ấy, giờ đây của ông như thức tỉnh tâm hồn, ý thức mỗi người dân Việt Nam có ai dám hoạt động như ông? Có tình yêu nào sánh bằng tình yêu quê hương đất nước ấy?

Tác phẩm “Làng” khép lại, nhưng hình ảnh ông Hai vẫn in đậm trong lòng người đọc. Ông Hai là một người yêu nước, yêu làng. Ông là hình ảnh tiêu biểu cho tầng lớp nông dân Việt Nam trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp: sẵn sang hi sinh quyền lợi cá nhân của bản thân vì tổ quốc Việt Nam. Tình yêu ấy, tinh thần kháng chiến ấy mãi là ngọn lửa thắp sáng trong lòng mỗi người dân nói chung và thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng để chúng ta có thể dũng cảm tiến bước đi lên, bảo vệ cho độc lập tự do của Tổ quốc.

538 views

Recent Posts

See All
bottom of page