top of page

Chứng minh rằng: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" là một truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc.

Updated: Jan 7, 2020

BÀI LÀM

Hoàng Minh Thư

Lớp 7G. Năm học: 2018-2019

Trong kho tàng tục ngữ của dân tộc Việt Nam, có rất nhiều câu tục ngữ hay, ý nghĩa. Câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” cũng không ngoại lệ. Quả vậy, câu tục ngữ là một đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nó thể hiện lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước, đối với những người đã giúp đỡ mình.

Vậy “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” có nghĩa là gì? “Ăn quả” là người được hưởng thành quả do người khác tạo ra. Còn “kẻ trồng cây” chỉ người tạo ra thành quả đó. Do đó, câu tục ngữ trên có nghĩa là khi được hưởng thành quả do ai đó tạo ra, ta phải luôn nhớ ơn người đó. Qua đây, ông cha ta muốn nhắn nhủ rằng, chúng ta cần phải biết ơn người đã giúp đỡ ta, người đã đưa ta đến thành công.

Tại sao phải nhớ ơn những người đã giúp đỡ ta? Xét về lý, lòng biết ơn là đức tính mà mỗi con người cần phải có. Lòng biết ơn cho thấy nhân cách của mỗi con người. Lòng biết ơn còn giúp ta hoàn thiện bản thân, nó góp phần làm đẹp cho các mối quan hệ xã hội, giúp cho xã hội ngày một văn minh, tiến bộ. Ngoài ra, khi biết ơn ai đó, ta mới hiểu được giá trị của thành quả mà họ đem đến cho ta. Xét về thực tế, nhân dân đang cố gắng giữ gìn và phát huy đạo lý tốt đẹp này. Hằng năm, nhân dân ta vẫn tổ chức các ngày lễ để biết ơn những người có công như ngày Giỗ Tổ Hùng Vương; ngày Thương binh, liệt sĩ; ngày Quân đội nhân dân Việt Nam,… Đó là các ngày lễ thể hiện lòng biết ơn của dân tộc ta đối với những người đã có công trong cách mạng, có công trong việc làm đẹp lịch sử dân tộc. Ngày 20 tháng 11- ngày Nhà giáo Việt Nam, là ngày mà mọi người tri ân các thầy cô giáo, dành tặng cho họ những bông hoa tươi thắm, những lời chúc tốt đẹp. Trong các gia đình, hằng năm đều thắp hương cho ông bà, tổ tiên. Qua đó, ta thấy rằng, mọi người đều tích cực giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp này.

Mặc dù đây là một đạo lý tốt đẹp của dân tộc nhưng một số người không hề coi trọng nó, họ là những người vô ơn. Có thể nói họ là những người “ăn cháo đá bát”. Họ nhận công ơn của người khác để rồi lãng quên nó đi. Những người như vậy không đáng là người dân Việt Nam.

Vậy để phát huy truyền thống đó, ta cần làm gì? Ta phải cố gắng rèn luyện bản thân, trở thành công dân có ích cho xã hội. Bác Hồ từng nói rằng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Ngoài ra ta phải yêu thương ông bà, cha mẹ, có những hành động đền ơn đáp nghĩa thiết thực.

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là truyền thống quý báu của dân tộc. Câu tục ngữ cũng cho ta thấy rằng, những kẻ vong ơn bội nghĩa sẽ không bao giờ thành công. Là người dân Việt Nam, ta cần cố gắng giữ gìn và phát huy nó bởi lòng biết ơn sẽ làm đẹp cho dân tộc Việt Nam.

18,599 views

Recent Posts

See All
bottom of page