top of page

Thuyết minh về chiếc mũ bảo hiểm.

Thuyết minh về chiếc mũ bảo hiểm.

BÀI LÀM

Nguyễn Thị Hiền Minh

Lớp 9A. Năm học: 2016-2017

“ Bụp”

Giữa không khí oi nực của mà hạ, một âm thanh không mấy dễ chịu vang lên, phá vỡ cái tĩnh lặng nhàm chán của góc phòng kho cũ kĩ. Đầu tôi bị thứ gì đó va vào. Mở hé đôi mắt lim dim, tôi thấy một chị mũ bảo hiểm với cặp mắt sưng đỏ. Người chị đầy những vết nứt rạn và đường keo dính chồng chéo- dấu hiệu cho thấy có người đã cố gắng sửa chữa chị nhưng không thành công thì phải! Đó là lí do khiến chị bị quẳng vào đây.

Và hình như cú va chạm vừa rồi ảnh hưởng tới chị rất lớn, chị rấm rức khóc. Cũng phải thôi, trông chị mỏng manh thế kia, có lẽ làm bằng nhựa chất lượng không được tốt. Nào giống như tôi, được làm từ loại nhựa bền và cứng cáp, tôi chẳng hề hấn gì. Tôi lên tiếng hỏi thăm:

- Này chị kia! Chị bị làm sao thế?

Chị mũ bảo hiểm khắp mình xây xát quay lại nhìn tôi- một cậu mũ bảo hiểm trắng chắc lẳn, béo nịch. Chị ta lân la bò đến, vừa nấc vừa giới thiệu:

- Tôi là chiếc mũ bảo hiểm được cô chủ mua về từ tháng trước. Sáng nay, cô chủ đi xe đạp vượt đèn đỏ, nên mới xảy ra tai nạn. Tôi... tôi đã cố gắng bảo vệ cô chủ nhưng... nhưng...tôi nứt toác thế này, đã kịp bảo vệ gì đâu! Cô chủ đã được cấp cứu ở bệnh viện còn tôi thì...cậu thấy rồi đấy.

Tôi vừa lo lắng cho cô chủ, vừa chắc mẩm đoán thầm về chất lượng của chị mũ bảo hiểm. Mải mê đánh giá, tôi nhìn chị một lượt rồi cho hay:

- Cũng không lấy gì làm ngạc nhiên! Chị xem! Chị mỏng nhẹ thế kia, sao có thể nâng đỡ được đầu của ai chứ? Cấu tạo của chị chỉ có hai lớp, chẳng có lớp xốp quan trọng ở giữa. Trong khi chị biết đấy, họ hàng nhà mũ bảo hiểm chính hiệu tối thiểu phải có ba lớp. Lớp vỏ ngoài cùng phải chắc, phải bền để bảo vệ các phần trong và hộp sọ. Thường thì lớp ngoài cùng sẽ được sơn mạ và trang trí họa tiết bắt mắt, như chị đây. Lớp giữa là một tầng xốp dày, tốt, đủ để giảm chấn động, giảm xốc khi va chạm với bề mặt thô cứng như mặt đường, sàn đá,...Lớp xốp này phải đảm bảo chất lượng và được dính chặt, cẩn thận với phần vỏ, như thế mới tăng độ chắc chắn! Lớp trong cùng mềm, tiếp xúc trực tiếp với đầu người sử dụng, làm bằng vải phồng lên có tác dụng như một miếng đệm lót cho đầu êm ái. Ngoài ra, lớp đệm này còn có đục lỗ dạng lưới thông thoáng, tránh bị bết tóc và để dễ dàng vệ sinh...

Nói chưa hết ý, tôi dừng lại quan sát vẻ mặt của chị thì thấy chị có vẻ ngơ ngác, muốn được nghe thêm. Như có thêm động lực, tôi tiếp:

- Vỏ mũ bảo hiểm đương nhiên phải được làm từ vật liệu chắc chắn nhất, ví dụ như nhựa ABS/ nhựa PC, sợi cacbon hay sợi thủy tinh ... Thường thì người ta sử dụng nhựa ABS/ nhựa PC là chủ yếu vì nó có giá thành rẻ mà vẫn đảm bảo được các yêu cầu về chất lượng cũng như độ đạt chuẩn an toàn của mũ. Sợi cacbon gồm các nguyên tử cacbon liên kết với nhau tạo thành tinh thể dạng sợi dài, độ bền của nó thì khỏi phải bàn: rất cứng chắc, chịu lực tốt, khối lượng nhẹ nhất trong ba loại vật liệu. À đúng rồi! Chị có biết không? Kim cương cũng là một dạng của cacbon nên sợi cacbon giá thành cắt cổ lắm! Bởi thế nó chỉ dành cho những tay đua trứ danh hoặc để sản xuất mũ du hành vũ trụ mà thôi! Chị mũ ánh mắt rực rỡ như được khai sáng, tò mò hỏi tôi:

- Sao cậu biết nhiều thế? Vậy cậu nói xem, cậu được làm từ chất liệu gì?

Đây là dịp tốt nhất để khoe khoang giá trị của bản thân, tôi vui vẻ trả lời:

- Tôi được làm từ sợi thủy tinh, hay nói cách khác, là thủy tinh được kéo thành sợi, bện lại và dệt thành tấm. Sợi thủy tinh có đặc tính giống sợi cacbon, nhẹ hơn nhựa ABS/ nhựa PC nên giá thành cũng mắc hơn nhiều. Đấy chị xem! Tôi cũng thuộc giới quý tộc chứ bộ! Chị cười ha ha, nhìn tôi đầy thích thú:

- Cậu thật vui tính! Vậy những cái này để làm gì?

Tôi nhìn theo tay chị, thấy chị chỉ vào vành mũ của mình, rồi của tôi. Tôi đáp:

- À! Đấy là những phụ kiện đi kèm. Ngoài ra còn có kín chắn gió, chắn bụi như của tôi đây, dây quai để cố định mũ với đầu người sử dụng thường được nối với lớp vỏ. Nhắc đến lớp vỏ mới nhớ, lớp vỏ của chị cũng đẹp đấy chứ.

Chị tiu nghỉu:

- Đẹp để làm gì? Tôi bây giờ còn chẳng có lấy một cái tên chính thức.

Tôi an ủi:

- Thực ra vẻ bề ngoài rất quan trọng, vì nó đáp ứng nhu cầu thời trang và sở thích của người mua chúng. Có mũ được trang trí bằng màu sắc rực rỡ, có mũ lại được chấm bi, kẻ sọc, số khác lại được viết lên slogan của hãng sản xuất. Hãng sản xuất mũ bảo hiểm thì nhiều vô kể, như tôi đây thì được sinh ra ở Thái Lan. Còn chị?

- Tôi còn chẳng nhớ tôi sinh ra ở đâu. Mọi người cứ chuyền tay tôi vì tôi vừa rẻ vừa đẹp. Nhưng ngay cả tôi cũng biết bản thân tôi sinh ra đã là phạm pháp, là không tốt. Cậu biết không, cái tem trên người tôi cũng là đồ giả.

Chị rơm rớm nước mắt kể lại. Tôi cảm thấy xót xa cho chị:

- Người có lỗi đâu phải là chị mà là người đã sản xuất ra chị và đã sử dụng chị ấy! Tem chống hàng giả được dán cùng logo của hãng trên vỏ mũ mà cũng bị làm giả! Hừ! Thật quá quắt!

Chị nói:

- Những loại mũ như tôi, chỉ toàn được bán bên vệ đường, các quán nhỏ, không danh tiếng; uy tín cũng không nhiều. Giá cả dao động dưới một trăm nghìn đồng, có loại rẻ nhất còn hai mươi nghìn đồng, bởi thế chất lượng mới không tốt. Thế nhưng chúng tôi lại được yêu thích hơn cả, nhất là các cô cậu học trò ấy. Họ đội chúng tôi để hợp thời trang và coi chúng tôi vừa là một món phụ kiện tôn lên vẻ đẹp của họ, vừa là cái cớ đối phó với người lớn và cảnh sát giao thông.

Tôi bực bội:

- Tôi thì ngược lại, dù cũng có nhiều kiểu dáng và màu sắc để thỏa mãn mọi sở thích, mọi độ tuổi, mọi tính chất công việc nhưng tôi lại được bán trong cửa hàng mủ bảo hiểm uy tín, danh tiếng, được người tiêu dùng tin tưởng và ủng hộ. Giá thành tôi và các bạn khác khoảng từ 200-500 nghìn đồng, đắt hơn nữa thì tiền triệu, tùy theo nhu cầu sử dụng. Các bạn học sinh thường không thích đội chúng tôi vì họ cho rằng mũ to, cồng kềnh sẽ làm hư mái tóc của họ, diện tích mũ soán hết khuôn mặt sẽ che đi vẻ đẹp của họ...

Chị mũ bảo hiểm hỏi tôi:

- Từ nãy giờ tôi vẫn tò mò vì sao cậu lại ở đây, trong cái kho này?

Tôi kể chị nghe, tôi là món quà ông chủ tặng cô chủ nhân cô đạt gải nhất cuộc thi An toàn giao thông cấp thành phố. Tôi kể rằng tôi đã bảo vệ cô chủ ra sao trong những cú ngã và cảm giác vui sướng vì nhận ra bản thân có ích của tôi lúc đó. Rồi cô chủ lớn lên, không còn cần đến tôi nữa vì tôi đã xấu xí, đã không hợp thời trong mắt cô. Cô để tôi ở đây chỉ vì tôi vẫn chưa đến nỗi đem bán phế liệu và tôi vẫn đang chờ đợi đến ngày đó đây!

Chị nghe xong thì thở dài:

- Tôi thì đã đành, cậu tốt như thế, lại giúp được rất nhiều nữa, vậy mà vẫn bị đối xử bất công. Ước gì mọi người ai cũng hiểu được tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm chất lượng như cậu, và không bao giờ sản xuất mũ bảo hiểm ” rởm”- như tôi nữa!

Sáng hôm sau, không hiểu sao tôi bỗng được ra khỏi cái phòng kho cũ kĩ, ẩm mốc ấy, và được sử dụng nâng niu trở lại. Thì ra, cuộc nói chuyện giữa tôi và chị mũ hôm đó đã lọt đến tai cậu chủ nhỏ trong nhà. Bất ngờ và vui sướng, tôi suýt bật khóc. Lúc đó tôi nghe cậu chủ bảo:

- Tao thay mặt chị xin lỗi mày! Lần này, tao sẽ trân trọng mày hơn cả chị thời bé.

Tôi cảm động lắm, mong muốn sao ai cũng như cậu chủ vì chúng tôi đóng góp một phần không hề bé vào việc bảo vệ tính mạng mọi người khi tham gia giao thông.

41 views

Recent Posts

See All

Thuyết minh về chiếc áo đồng phục mùa đông của trường em.

Thuyết minh về chiếc áo đồng phục mùa đông của trường em. BÀI LÀM Nguyễn Hương Giang Lớp 9A. Năm học 2019-2020 Đồng phục học sinh là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Ngoài đồng phục truyền thống

Thuyết minh về cây chuối.

Thuyết minh về cây chuối. BÀI LÀM Trần Diễm Ngọc Lớp 8A. Năm học: 2015-2016 Chuối là một loại cây rất quen thuộc đối với mỗi làng quê Việt Nam. Có rất nhiều loại chuối khác nhau, và mỗi loại đều mang

bottom of page