9. Người ấy sống mãi trong lòng tôi.
- TrangVanCuaChungEm
- Dec 3, 2019
- 7 min read
9. Người ấy sống mãi trong lòng tôi.
BÀI LÀM 1
Ngô Thị Thu Trang
Lớp 8B. Năm học: 2006 – 2007
Một chiếc lá tường vi rời bỏ cành cây thân quen của mình, chao lượn một chút trong không gian rồi rơi xuống trên tay tôi. Tôi nhìn, những bông tường vi đã khoe sắc thắm và tỏa ngát hương. Vẫn cây tường vi ấy, vẫn góc phố ngày xưa chúng tôi từng vui đùa bên nhau, nhưng Tường Vi – người bạn thân thiết của tôi giờ đã không còn bên tôi nữa rồi. Tuy không bao giờ gặp lại Tường Vi nữa nhưng những hình ảnh đẹp đẽ của cô ấy vẫn sáng mãi trong trái tim tôi.
Tôi và Tường Vi, hai người khác nhau, hai tính cách khác nhau đã tình cờ gặp nhau, trở thành bạn thân để rồi mãi mãi xa nhau. Hôm đó, như mọi hôm khác lũ trẻ con ở khu tập thể chúng tôi tụ tập cuối phố để bày trò chơi và chơi cho đến khi chiều tà. Bỗng từ xa, một chiếc ô tô chất đày đồ đạc đang tiến đến. Điều làm tôi quan tâm nhất trên ô tô là một cô bé có mái tóc đen dày, đôi mắt to long lanh và đặc biệt là làn da trắng mịn khác với đầu tóc cháy nắng với nước da ngăm ngăm của lũ trẻ chúng tôi. Trên tay cô bé cầm một chùm tường vi rất tươi. Gọi là tường vi vậy chứ sau này khi quen cô bé tôi mới biết đó là hoa tường vi. Chùm hoa rơi xuống, tôi nhanh tay chạy tới nhặt hoa và đuổi theo xe. Đón nhận chùm hoa từ tay tôi, cô bé mỉm cười nhìn tôi. Tôi đọc được trong ánh mắt ấy một lời cảm ơn chân thân. Tôi cảm thấy mình thật sung sướng. Về đến nhà tôi mới biết cô ấy dọn đến ở cạnh nhà tôi. Từ đó chúng tôi đã trở thành bạn thân. Cô ấy là Tường Vi. Cũng xinh xắn, vui tươi như bông hoa của buổi bình minh. Tôi đưa Vi đi tham quan khắp nơi quanh phố nhưng cái gì cô ấy cũng biết và hiểu rõ hơn tôi. Và tôi cũng biết đến hoa tường vi là nhờ cô bạn ấy, thay vì gọi là cây hoa gì đó như trước kia tôi vẫn gọi. Một buổi sáng tôi đưa Vi ra ngoại thành chơi. Chúng tôi cùng nhau vui đùa và tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh của đồng quê. Vi chỉ cho tôi biết nhiều hơn về ích lợi của đông lúa. Tường Vi được xin vào học chung với tôi. Cô ấy là một học sinh giỏi, kiến thức rộng và cực kì tốt bụng nhưng cũng có những lần vì tôi mà cô ấy bị cô giáo mắng oan. Đó là lần tôi chơi máy bay giấy trong lớp, chiếc máy bay bay là là mặt đất và hạ cánh không an toàn trên bục giảng. Cô giáo bắt được và Vi đã đứng dậy nhận thay một kẻ nhút nhát như tôi. Kết quả là Vi phải trực nhật một tuần. Có hôm trời mưa tầm tã mà tôi lại không mang theo áo mưa, Vi đã nhường áo mưa cho tôi, cô ấy chạy về dưới trời mưa. Cô ấy bị cảm sốt mấy ngày liền, phải nghỉ học. Vậy mà Vi không một lời trách móc, vẫn vui cười động viên tôi. Một hôm, tôi đợi Vi đi học mà không biết cô ấy đã đến sớm để trực nhật. Tôi bị muộn học, cô giáo đã mắng và còn phạt tôi đứng ở ngoài một tiết học. Bàn chân tôi như rời ra từng chiếc xương, mệt mỏi, nhức nhối. Tôi giận Vi. Tôi đã dùng hình phạt động viên Vi và dắt cô ấy đến chỗ cây tường vi, bảo cô ấy trèo lên và hái cho tôi một nhành hoa. Vi hơi ngập ngừng, bởi cô ấy sợ độ cao. Nhưng lại sợ tôi buồn nên Vi trèo lên, đến nơi, cô bẻ mấy chùm hoa còn tươi xuống cho tôi. Mãi nhìn xuống chỗ tôi nên Vi trượt chân, ngã xuống đất. Thấy Vi bất động, tôi tưởng cô ấy giả vờ nên cười. Nhưng thấy máu chảy ra từ đầu Vi, tôi mới hốt hoảng đến khóc và gọi mọi người. Vi được đưa vào viện cấp cứu nhưng vết thương quá sâu do va phải những mảnh gạch vỡ...Ngày đưa Vi về quê, tôi không đến, tôi đến khóc bên cây tường vi. Lòng tôi đau đớn vô cùng. Tôi đã hại người bạn của tôi để không còn được gặp lại cô ấy nữa.
Câu nói thân thuộc của Tường Vi lại vang lên “ Đừng bao giờ buồn, hãy vui vẻ như những bông hoa tường vi này Trang nhé.” Tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh của cô bạn dễ thương, vui tươi. Màu hoa tường vi vẫn thắm mãi trong trái tim tôi .
BÀI LÀM 2
Nguyễn Thị Phương Anh
Lớp 8E. Năm học: 2012-2013
Có lẽ, thời học trò của bạn nào cũng giống tôi. Học miệt mài, học chăm chỉ, học bù đầu, bù óc rồi đến các kì thi đầy căng thẳng rồi lại nghi hè hay nghỉ lễ. Và cứ thế, tháng ngày học trò mài quần trên ghế nhà trường rồi cũng sẽ âm thầm qua đi rất nhanh. Mọi thứ rồi cũng sẽ thay đổi theo từng năm học. Nhưng có một số sẽ không và chưa bao giờ thay đổi. Giống như cậu bạn của tôi. Cậu ấy kết thúc cuộc đời hết sức ngắn ngủi của mình lúc mới 13 tuổi. Và cậu ấy chính là kỉ niệm quan trọng nhất, khó quên nhất của toàn bộ thành viên lớp 8E bây giờ.
Có lẽ, khi đến với ranh giới sống còn ta mới thấy nó thật mong manh. Có lẽ, chỉ cần một giây, một giây thôi cũng đủ quyết định người nào đi về bên kia và người nào sẽ ở lại. Nếu như giây trước đó cậu ấy không xuống sông rửa chân vì dính bùn thì bây giờ vẫn sẽ là cậu bạn nghịch nhất lớp tôi. Cậu bạn vẫn hay tìm đủ mọi cách chọc tức thầy cô. Nhưng đến lúc bị cô chủ nhiệm dọa sẽ gọi bố lên lại òa khóc bù lu bù loa như trẻ lên ba. Vậy mà chứng nào tật nấy lại trở chứng như thường. Mỗi lần cầm cuốn sổ đầu bài rồi lại ôm đầu, xoa trán, chán nản chịu thua. Cậu ấy rất lanh lợi, đôi lúc lanh quá hóa lanh chanh. Việc gì cũng nhận rồi dến lúc không nhớ nổi lại quên không làm, báo hại cả lớp mấy lần vạ lây. Học thì được nhưng lại nhác. Tôi kèm theo học thì rất nghe lời cứ “vâng vâng dạ dạ” rồi có lần nào nghe lời tôi đâu. Cứ gây chuyện suốt để lại bị đánh cho bầm mặt. Tôi “giảng đạo” thì lại giở trò nịnh hót nên tôi cũng chẳng nỡ mắng thêm, đành ngồi sát trùng vết thương cho anh chàng. Trong lớp, anh chàng khá ít bạn, vậy nên người ngồi cùng bàn tôi đây được ưu tiên trở thành bạn thân nhất theo đúng lời cậu ấy. Chàng ta vừa to con, vừa cao lớn, vừa có cái đầu tròn trông cứ như lật đật ý. Người đâu mà toàn đeo lệch khăn quàng, áo lúc nào cũng ngoài quần, ra chơi là lại vừa chơi vừa ngồm ngoàm ổ mỳ to bự chảng. Đôi lần tôi đau chân là lại có bạn thân nhất đèo về. Ngồi sau cậu ta cứ như chú kiến ấy, cái lưng to, rộng của anh chàng trông như tấm phản. Cặp đùi to bự y như cái cột đình đang chòi chòi trên con ngựa sắt chở tôi về nhà. Ở lớp, có việc gì khó khăn cũng van nài tôi giúp vậy mà đi đánh nhau, trèo hàng rào, đu cây có chịu nghe tôi khuyên đâu. Chơi với nhau mấy năm, bao nhiêu kí ức vui, buồn, cười, khóc giờ để lại cho mình tôi giữ, để lại cho mình tôi nhớ. Hôm cậu ta đi, cả lớp tôi từ nam đến nữ, từ cô giáo đến học trò có ai không bàng hoàng, không kinh ngạc, không xót xa đâu. Rõ ràng vừa đó cậu ấy còn nhắn tin bảo sẽ sang đón tôi đi lao động vậy mà cậu bạn thân tôi nằm đó, lạnh ngắt, im lìm, không ồn ào náo nhiệt, không leo trèo, không chạy nhảy nữa. Đôi mắt to, tròn, sáng hay trố mắt làm bộ ngây thơ giờ nhắm nghiền. Đôi môi đỏ mọng liến thoắng cả ngày chẳng biết chán giờ tím ngắt, mím chặt. Cậu ta đi rồi, đi mãi rồi, đi mà cũng chẳng để lại một lời nhắn. Cậu ta thật vô tâm, ít nhất phải cho tôi chuẩn bị tâm lý chứ! Đi như vậy muốn làm mọi người sốc hết mới chịu hả? Chẳng biết những ngày sau như thế nào mà đi đâu cũng thấy bóng chàng ta ở đó, đang ngồi cạnh tôi, đang gặm mỳ, đang cười ha hả như một thằng ngốc. Giờ thì tôi phải công nhận cậu ấy đã trở thành bạn rất thân của tôi rồi!
Có lẽ, nó là một dấu ấn to đùng để tôi tưởng niệm về thời ô mai của mình. Tôi cất nó ở một góc trong trái tim nhỏ bé này, để đôi khi buồn lại lôi ra và cười một mình như con ngốc với những kỉ niệm dở mếu dở cười của hai đứa. Cậu ta chưa bao giờ đi đâu cả mà cậu ấy vẫn sống đấy thôi, sống mãi mãi, sống vĩnh cửu trong lòng tôi.
Comments